Xuất khẩu dệt may trên đà phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ghi nhận tại một số doanh nghiệp dệt may cho thấy, tình hình đơn hàng xuất khẩu đang được cải thiện.
Theo TNG, Công ty đã nhận được đơn hàng quý II/2024. Ảnh: Dũng Minh Theo TNG, Công ty đã nhận được đơn hàng quý II/2024. Ảnh: Dũng Minh

“Thị trường đang tốt lên”

Thông tin được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra, “đã có hơn một nửa đối tác xuất khẩu của Tập đoàn đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên”.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khẳng định, đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực với ngành dệt may. Gần đây, các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn trước. Điều này tạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm.

Tuy vậy, Hiệp hội vẫn thận trọng dự báo, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam năm nay đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9 - 10% so với năm 2022.

Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Như Tùng, đến thời điểm này, Công ty đã nhận được 90% lượng đơn hàng cho tháng 9, tăng 5% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực sau thời gian dài Công ty thiếu hụt đơn hàng.

Trước đó, trong tháng 8/2023, TCM ghi nhận doanh thu 12,84 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 774.000 USD, lần lượt tương đương 66% và 56,7% cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, TCM ghi nhận hơn 91,2 triệu USD doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 triệu USD, tương đương 71% và 74% cùng kỳ. Đơn hàng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu vào không giảm, là lý do cho mức giảm khá mạnh của kết quả kinh doanh tháng 8 cũng như 8 tháng đầu năm của doanh nghiệp này.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, “thị trường Mỹ đang phục hồi”. Đà phục hồi của thị trường xuất khẩu chính - đóng góp khoảng 55% tổng doanh thu của TNG - sẽ đem đến triển vọng tích cực cho hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tháng 8 vừa qua, TNG đạt doanh thu 721 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ. Tháng trước đó, Công ty ghi nhận doanh thu 728 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. TNG là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành dệt may duy trì được đà tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn vừa qua.

Năm 2023, TNG đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 299 tỷ đồng, đi ngang về doanh thu và tăng 2,5% về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm 2022. Lãnh đạo TNG cho biết, đi qua 8 tháng đầu năm, Công ty tự tin có thể hoàn thành mục tiêu doanh thu, nhưng có thể chỉ đạt khoảng 77% kế hoạch lợi nhuận, với khoảng 230 tỷ đồng.

Hiện TNG đã nhận đơn hàng cho quý II/2024, sản lượng tăng và công suất cũng tăng. Sức mua của thị trường đang hồi phục tạo động lực cho doanh thu của Công ty tăng trưởng, nhưng do đơn giá chưa tăng nên biên lợi nhuận vẫn thấp.

Cổ phiếu hưởng lợi

Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán gần đây đều nhận định khá tích cực về triển vọng của nhóm dệt may xuất khẩu.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.

Theo tính toán của SSI, cổ phiếu ngành dệt may đang giao dịch ở mức P/E trung bình năm 2023 và 2024 lần lượt là 11 lần và 9 lần. Kết quả kinh doanh giai đoạn xấu nhất của nhóm dệt may đã được phản ánh vào giá cổ phiếu và nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của nhóm này trong thời gian tới. SSI lựa chọn hai cổ phiếu đáng quan tâm là STK (của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ) và MSH (của Công ty cổ phần May Sông Hồng).

Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, Sợi Thế Kỷ có thể tận dụng năng lực để sản xuất sợi tái chế có giá trị cao cũng như có nhu cầu cao từ các thương hiệu lớn trên thế giới.

Do Sợi Thế Kỷ hoạt động ở khâu đầu trong chuỗi giá trị ngành dệt may, nên SSI kỳ vọng doanh thu của Công ty cải thiện sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành may, tiếp sau đó là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác.

Với May Sông Hồng, luận điểm của SSI là doanh nghiệp này có đơn đặt hàng FOB cao nhất trong ngành may mặc, nên hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của ngành khi các khách hàng lớn lâu năm của Công ty như Walmart, Columbia và Target đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong những quý gần đây.

Nhìn về triển vọng trung hạn, các doanh nghiệp ngành dệt may được đánh giá khả quan tăng trưởng nhờ ba yếu tố: Thứ nhất, nhu cầu thị trường hồi phục; thứ hai, nhóm sản phẩm cắt may chính tăng trưởng và thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang chấp nhận làm các đơn hàng lợi nhuận thấp hơn bình thường để duy trì sản lượng và giữ chân người lao động, chiến lược này giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất khi nhu cầu thị trường hồi phục.

Trên thị trường chứng khoán, đà tăng cổ phiếu dệt may diễn ra trong một tháng vừa qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9/2023, cổ phiếu TNG đạt 22.300 đồng/cổ phiếu, tăng 25,2% so với một tháng trước đó và tăng 54,8% so với hồi đầu năm; MSH đạt 46.950 đồng/cổ phiếu, tăng 28,9% so với một tháng trước đó và tăng 44,4% so với hồi đầu năm; STK đạt thị giá 34.400 đồng/cổ phiếu, tăng 8,1% so với một tháng trước và tăng 28,3% so với hồi đầu năm. Riêng TCM tăng nhẹ so với một tháng trước với thị giá đóng cửa ngày 21/9 đạt 48.800 đồng/cổ phiếu.

Triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng vẫn sáng nhờ bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang hồi phục rõ nét hơn.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục