Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của dệt may xuất khẩu trong nhiều năm qua và chỉ mới đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu. Đáng lưu ý, kể từ năm 2010, chưa khi nào tăng trưởng xuất khẩu dệt may lại thấp như 6 tháng đầu năm 2016.
Với tốc độ tăng khá chậm, cộng với đơn hàng không mấy dồi dào, các doanh nghiệp xuất khẩu đang lo ngại thiếu đơn hàng trong nửa cuối năm 2016 và tác động đến khả năng khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết hiện nay tình hình đơn hàng không còn dồi dào như trước. doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt với các thị trường như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ...
6 tháng đầu năm 2016, triển vọng đơn hàng ngành dệt may không sáng sủa, giá xuất khẩu giảm trong khi hàng loạt chi phí tăng lên, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm… là những khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho rằng, rất lo tình hình 6 tháng cuối năm, chưa kể tác động từ Anh rời EU, khiến cho hàng dệt may sang thị trường này có giá không cạnh tranh. Chưa kể, thực tế các nhà nhập khẩu muốn tìm thị trường xuất khẩu có đơn giá rẻ hơn như Bangladesh, Campuchia hay Myanmar
Đối với ngành sợi, thời gian qua cũng rất khó khăn do giá xuất khẩu sợi giảm mạnh nhưng giá nguyên liệu đầu vào là bông lại tăng. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với giá sợi từ Trung Quốc bán giá thấp hơn từ 10-15%.
Từ nay đến cuối năm, tình hình cũng không khả quan khi một số doanh nghiệp may cho biết đơn hàng không dồi dào, cả sản phẩm may mặc bán ra cũng không tốt như năm ngoái.
Với những diễn biến vĩ mô không mấy tích cực, năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm khó khăn đối với ngành dệt may nói riêng và với các ngành xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Do vậy, mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 31 tỷ USD sẽ khó thực hiện.