Đón đầu thị trường
Dệt may, ngành xuất khẩu quy mô trên 40 tỷ USD/năm đã đón thêm những dự án mới đi vào sản xuất ngay trong những ngày đầu năm 2021. Một trong số đó là Dự án Nhà máy dệt - nhuộm - hoàn tất Trung Quy tại Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa (Long An), năng lực sản xuất 2 triệu mét vải/năm, với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng được đưa vào hoạt động ngay trước Tết ít ngày.
Dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - hoàn tất Trung Quy đi vào hoạt động đúng thời điểm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có EVFTA đã có hiệu lực, sẽ cung ứng một phần nguồn cung vải cho dệt may, đón bắt cơ hội hưởng ưu đãi nhờ thỏa mãn quy tắc xuất xứ từ vải.
Theo ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Trung Quy Group, việc khánh thành nhà máy dệt - nhuộm - hoàn tất này sẽ giúp Trung Quy nâng cao năng lực, đáp ứng nguồn nguyên liệu vải ra thị trường, đồng thời góp phần chủ động nguyên liệu cho ngành dệt may trong bối cảnh xuất nhập khẩu chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh như hiện nay.
Sau 1 năm im ắng bởi cầu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đang dồn sức cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp. Năm 2021 được một số doanh nghiệp khởi động dự án mới để tăng năng lực sản xuất, đón lõng thị trường trong vài năm tới đây.
Đơn cử, ngay đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh). Dự án do Công ty cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư, chuyên sản xuất sợi OE phục vụ công nghiệp may mặc với công suất 18.720 tấn/năm, trên diện tích 5,4 ha, với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.
Dự án sản xuất sợi OE sẽ được Công ty cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh triển khai theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn I sẽ được khởi công ngay trong năm nay, vốn gần 300 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2022. Giai đoạn II và III có mức đầu tư 300 tỷ đồng, hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2024.
Thay đổi tư duy đầu tư
Ngành dệt may đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu thần tốc trong 2 thập kỷ qua. Năm 2016, xuất khẩu đạt 28,1 tỷ USD, thì đến năm 2019 đã đạt 39 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu có sự cải thiện đáng kể, năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới.
Tuy nhiên, khả năng tự cung ứng nguyên liệu của ngành vẫn còn nhiều khoảng trống, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nên việc có thêm các dự án sản xuất nguyên liệu cũng đồng nghĩa tăng cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2020, ngành dệt may xuất khẩu 35 tỷ USD, nhập gần 20 tỷ USD nguyên phụ liệu, trong đó vải gần 12 tỷ USD.
Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… nhưng để hưởng các thuế suất ưu đãi, phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Việc có thêm dự án nguyên liệu mới đi vào hoạt động sẽ gia tăng nguồn cung vải cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa.
Không chỉ hướng đến mục tiêu tăng xuất khẩu, với đích ngắm 55 tỷ USD vào năm 2025, các dự án đầu tư giai đoạn tới của ngành phải được tư duy khác giai đoạn trước, lưu ý yếu tố giảm thiểu nguyên nhiên liệu đầu vào trong sản xuất để dễ lọt mắt xanh của các nhà nhập khẩu lớn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, ngành dệt may đang đứng trước thách thức của các nhà nhập khẩu về chương trình phát triển sản phẩm xanh hóa, sản phẩm an toàn, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, vốn là xu thế tất yếu để bắt kịp cuộc chơi toàn cầu và đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi.
Đơn cử, tại Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, 39% tổng năng lực sản xuất của doanh nghiệp làm cho Nike. Hãng này yêu cầu, các nhà máy sản xuất hàng cho Nike trước đây đang chạy nồi hơi dầu, nồi hơi than, thì năm nay 100% phải chuyển đổi sang nồi hơi điện, và doanh nghiệp phải chuyển đổi theo yêu cầu này”, ông Giang nêu ví dụ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi về nhận thức lẫn hành động trong đầu tư phát triển ngành trong giai đoạn tới, giai đoạn 2021 - 2022, Vitas sẽ có nhiều chương trình phối hợp với các tổ chức quốc tế về chương trình xanh hóa.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, cũng là đại diện quản lý ngành, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex cho rằng: “Giai đoạn 2021 - 2023 sẽ là khoảng thời gian quyết định cho sự phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hơn cho doanh nghiệp trong ngành dệt may. Có thể có những doanh nghiệp tụt lại và bị bỏ rơi khỏi cuộc chơi, nhường chỗ cho những doanh nghiệp ứng biến linh hoạt, chuyển hướng đầu tư thích ứng với xu thế mà thị trường đòi hỏi”.