Xuất khẩu cao su sẽ co giãn mạnh

(ĐTCK) Các chuyên gia dự đoán, năm nay sẽ là một năm đầy khó khăn đối với ngành xuất khẩu cao su Việt Nam.
Xuất khẩu cao su sẽ co giãn mạnh

Thị trường cà phê cũng không là ngoại lệ, khi diễn biến giá tiếp tục có những biến động khó lường trong tuần qua.

Thị trường cao su thiên nhiên vừa qua đã ghi nhận sự giảm giá liên tục, đặc biệt là những tháng cuối năm 2011 và kéo dài đến đầu năm 2012. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng cao su xuất khẩu trong tháng 1 đạt 60.000 tấn, thu về 200 triệu USD. Giá xuất bình quân đạt thấp, chỉ khoảng 2.746 USD/tấn, giảm 8,8% so với tháng 12/2011. Nếu so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su tháng 1 năm nay giảm 7,9% về lượng, 42,6% về giá trị.

Trong tổng số 208 doanh nghiệp xuất khẩu cao su, vẫn có đến 165 doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Vì thế, chỉ cần thị trường Trung Quốc có biến động, ngành cao su Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất mạnh. Sau một thời gian các doanh nghiệp Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu, giá cao đã sụt giảm khá mạnh so với hồi đầu năm 2011.

Với những diễn biến khó khăn gần đây trên thị trường này, các chuyên gia dự đoán, năm nay sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành xuất khẩu cao su Việt Nam.

Trên thị trường cà phê, giá hai mặt hàng cơ bản có những chuyển động trái chiều. Giá cà phê Arabica do yếu tố cung cầu chi phối, song giá cà phê Robusta tiếp tục bị đầu cơ chi phối, tạo nên những cơn lốc trên sàn.

Chuỗi tăng giá cà phê Robusta kéo dài qua 8 phiên. Giá kỳ hạn giao tháng 3 tính đến tuần qua tăng 336 USD/tấn, tương đương tăng 18,35%, đứng ở 2.167 USD/tấn; giá kỳ hạn giao tháng 5 tăng 182 USD/tấn (+9,8%), lên 2.167 USD/tấn và giá kỳ hạn giao tháng 7  tăng 165 USD/tấn (+18,35%), lên 2.050 USD/tấn.

Ngược lại, giá cà phê Arabica có liên tiếp 4 phiên sụt giảm. Tổng cộng, giá kỳ hạn giao tháng 3 giảm 15,85 cent/1b, tương đương giảm 7,36%, xuống còn 199,45 cent/lb và giá kỳ hạn giao tháng 5 giảm 16,2 cent/1b (-7,45%), xuống còn 201,2 cent/1b, mức thấp của giá cà phê Arabica trong vòng 15 tháng trở lại đây.

Cuối tuần qua, giá cà phê đảo chiều trên cả hai thị trường. Giá cà phê Robusta tại London quay đầu giảm mạnh, mức biến động cao nhất tới 4% trong một phiên. Ngược lại, giá cà phê Arabica tăng nhẹ.

Giá cà phê nhân xô trong nước cũng có chuỗi tăng kéo dài từ đầu tuần qua, tổng cộng tăng 1.400 đồng/kg. Tuy nhiên, cuối tuần, giá cà phê lại hạ theo thị trường London, mất 600 đồng/kg. Vì thế, giá cà phê nhân xô trong nước chốt tuần đứng ở mức 39.100 - 39.400 đồng/kg.

Giới chuyên môn từ Vicofa nhận định, giá cà phê chưa trở lại trật tự vốn có, đồng nghĩa với việc thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

Xuất khẩu cà phê tháng 1 chỉ đạt 170.000 tấn với trị giá 350 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê đang phải chịu chung tình cảnh ảm đạm của tình hình kinh tế châu Âu, nên trong thời gian tới, giá cà phê xuất khẩu có khả năng vẫn nằm trong xu hướng giảm.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thương mại, lãi suất ngân hàng đang ở mức rất cao, cộng với tình trạng nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp và biến động giá hàng hóa đầu ra, hoạt động xuất nhập khẩu càng có quy mô lớn, thì càng có nguy cơ lỗ nặng.

Tuy nhiên, biến động với biên độ mạnh lại thu hút nhà đầu tư trên sàn hàng hóa. Thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho thấy, ngày 17/2, lệnh khớp cao su đạt hơn 2.000 lot, giao dịch cà phê Robusta đạt gần 1.500 lot, số lượng tương tự với cà phê Arabica.

Trong tuần này, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê sẽ có những số liệu tổng hợp về kim ngạch xuất khẩu và giá trị 2 mặt hàng trên trong tháng 2. Đây cũng là thông tin đáng chú ý để phân tích xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới.  

Thùy Linh
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục