Năm 2017 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Theo ông, đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho thấy, đã có sự chuyển biến tích cực trong cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Theo tôi, đây là tín hiệu tích cực trong bức tranh thương mại của Việt Nam năm qua. Tuy nhiên, để có thể phát triển thương mại một cách bền vững trong thời gian tới, vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết.
Đó là, nhập siêu có xu hướng gia tăng nhanh ở khối doanh nghiệp trong nước, cán cân thương mại của các doanh nghiệp trong nước năm 2017 thâm hụt 26,2 tỷ USD, tăng so với mức 21,9 tỷ USD của năm 2016, trong khi thặng dư thương mại của các doanh nghiệp FDI lại tăng rất nhanh, từ 23,8 tỷ USD năm 2016 lên 29,2 tỷ USD năm 2017.
Ông Lê Đăng Khôi
Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, công nghệ và cạnh tranh. Do vậy, khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu còn chưa cao, chưa tham gia được vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Dù được đánh giá là cường quốc về xuất khẩu nông sản, với nhiều mặt hàng được xuất khẩu như cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều..., nhưng chúng ta vẫn chưa có những doanh nghiệp có khả năng thống lĩnh và dẫn dắt chuỗi giá trị này.
Đây là vấn đề cần được phân tích kỹ để có thể đưa ra chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là phát triển xuất khẩu cho những ngành mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng cạnh tranh và có thể tham gia được vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao được giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
Xuất khẩu nhóm hàng nông-thủy sản đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi các rào cản kỹ thuật đang ngày càng tăng lên. Theo ông, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để vượt qua thách thức này?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu của các quốc gia sẽ ngày càng nhiều, càng tinh vi và khó lường hơn. Do đó, cần xác định rằng, chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với những thách thức này trong thời gian tới.
Hiện tại, điều quan trọng nhất là tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về thị trường một cách đầy đủ và kịp thời đến các ngư dân và doanh nghiệp để họ có sự chuẩn bị, bảo vệ nguồn lợi thủy-hải sản, cũng như mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập.
Đồng thời, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường và đưa ra những cảnh báo sớm cho các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Với các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao khác, ông dự báo thế nào về xu thế tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2018?
Những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như nông sản, dệt may, da giầy... sẽ vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm nay và thời gian tới. Tuy nhiên, những nhóm hàng này vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI và là nhóm hàng mà chúng ta tập trung gia công, nên có giá trị gia tăng thấp. Bởi vậy, cần xác định và dần mở rộng, phát triển xuất khẩu những mặt hàng mới, những mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư nhằm gia tăng xuất khẩu dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, vận tải, giáo dục, chuyên gia..., đồng thời phát triển lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy phát triển phương thức xuất khẩu tại chỗ để gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đang có lợi thế cạnh tranh và có khả năng phát triển mạnh.
Nhìn chung, theo dự báo về xu thế phục hồi kinh tế và thương mại chung của thế giới, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam năm nay là sáng sủa. 2018 cũng sẽ là năm Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao, cũng như tiếp tục duy trì được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại và đảm bảo khả năng xuất siêu.