Việt Nam là thị trường hoàn hảo
Ông Peter Soresen, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn ABB Việt Nam, đơn vị dàn xếp cho thương vụ Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) mua lại chuỗi siêu thị Citimart hồi đầu năm 2015 không ngừng bày tỏ sự lạc quan về thị trường M&A Việt Nam. Nguồn vốn hứa hẹn nhất cho các thương vụ M&A được bùng nổ trong thời gian tới sẽ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… Trong đó, ông giữ nguyên quan điểm Nhật Bản vẫn là thị trường vốn hứa hẹn nhất cho sự bùng nổ các thương vụ M&A.
Theo ông, các công ty Nhật Bản đang chịu áp lực không chỉ để tìm kiếm thị trường tăng trưởng bên ngoài nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, mà còn phải đối mặt với sự suy giảm và già hóa dân số.
“Việt Nam là thị trường hoàn hảo cho người Nhật khai thác cơ hội. Người Nhật có thể đủ khả năng để có một cái nhìn dài hơn về chiến lược của thị trường Việt Nam. Chúng tôi thấy họ có thể lấn át các nhà đầu tư từ các thị trường khác. Ngoài ra, người Nhật có thể thích ứng với văn hóa và chơi theo luật ở Việt Nam mà không gây nguy hiểm cho các mối quan hệ với đối tác và các cơ quan địa phương. Đó là chìa khóa để thành công”, ông Peter Soresen nhận định.
Ngoài ra, các dòng vốn từ Thái Lan vào Việt Nam đã trở nên ngoạn mục trong thời gian qua, nhưng có thể sẽ không bền vững trong dài hạn. Nó chủ yếu đến từ một vài tỷ phú của Thái với tốc độ thâu tóm mạnh mẽ. Các tập đoàn này không được hưởng lịch sử hoạt động và tính ổn định giống như các nguồn vốn khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cung cấp. Tuy nhiên, các công ty tư vấn thương vụ không tỏ ra hoài nghi về dòng vốn từ Thái Lan, sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dòng vốn từ Philippines, Indonesia, Malaysia đang đứng sau Thái Lan cho thấy sự gia tăng trong giao dịch trong khu vực Asean vào Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn nằm trong thị trường chiến lược để các tập đoàn đa quốc gia đến từ Hàn Quốc, Singapore, châu Âu, Mỹ... gia tăng sự hiện diện.
Lấy thêm miếng bánh thị phần M&A trên toàn cầu
Trong năm 2014 - 2015, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng các thương vụ M&A được tư vấn chuyên nghiệp và bài bản hơn. Với việc dàn xếp được khá nhiều thương vụ M&A thành công năm qua cho thấy nhà đầu tư ngày càng lạc quan về thị trường Việt Nam.
Trong đó, họ đang tập trung vào các nguyên tắc lâu dài, chứ không bị ảnh hưởng bởi những thách thức kinh tế vĩ mô và cấu trúc ngắn hạn trên thị trường (tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, tham nhũng, quan liêu).
Do đó, các đơn vị môi giới, tư vấn đang nhìn thấy một lượng khách hàng khủng dư thừa tiền mặt và sẵn sàng bung tiền để chốt thượng vụ sớm nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam, nếu họ tìm thấy đối tác đáp ứng tất cả các tiêu chí. Điều này cho thấy, M&A hiện không quá tquan trọng ở số lượng thương vụ nhiều hay ít, mà ở chất lượng thương vụ có đem lại cho họ món hời hay không?
Thực tế, so với các thị trường khác, thời gian để chốt một thương vụ M&A ở Việt Nam chậm và tỷ lệ để chốt một thương vụ thành công thấp hơn so với những gì mà nhà đầu tư mong muốn.
Thách thức quan trọng nhất tại Việt Nam trong năm 2014 - 2015 vẫn là các thương vụ M&A ở quy mô nhỏ, chất lượng thấp, mặc dù đã có những thương vụ hoành tráng nổ ra.
Theo ông Peter Soresen, ABB tập trung vào những giao dịch liên quan đến các yếu tố kiểm soát quản lý (cho dù giao dịch là bán cổ phần thiểu số hay đa số cổ phần). Hơn 1 năm qua, các nhà tổ chức (người bán) đang có những thay đổi tích cực khi họ sẵn sàng mời các nhà đầu tư tham gia việc kinh doanh, tăng thêm giá trị cho các cổ đông.
Sự cởi mở này đánh dấu sự thay đổi cơ bản về M&A tại thị trường Việt Nam. Nếu như vài năm trước, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được xem như nguồn vốn giá rẻ, không có tác dụng biến đổi thực sự hậu M&A, thì đến nay, điều này không chỉ đã có tác dụng mạnh với giá trị gia tăng của doanh nghiệp, mà còn tạo xu hướng tích cực cho nền kinh tế. Tất cả nhờ sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp đang coi M&A như một nghề kinh doanh hái ra tiền.
Theo thống kê của IMAA (tổ chức theo dõi M&A trên toàn cầu), tính đến đầu tháng 12/2014, giá trị các thương vụ M&A ở Asean đã tăng đến 50% so với năm 2013, với giá trị 128 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2008.
So với thị trường khác trên thế giới, quy mô khối lượng thương vụ và giá trị giao dịch ở Việt Nam còn nhỏ, với đỉnh cao năm 2012 đạt 5 tỷ USD. Hiện các con số thống kê về tổng giá trị thương vụ giữa các tổ chức tư vấn có sự chênh lệch, vì có nhiều lý do, hình thức M&A không được tiết lộ về giá trị. Theo nghiên cứu và thống kê của nhóm nghiên cứu MAF, năm 2014, giá trị M&A tại Việt Nam tăng nhẹ so với năm 2013, đạt mức 4,2 tỷ USD. Trong khi thống kê của IMAA chỉ 2,5 tỷ USD và từ Công ty Chứng khoán Bản Việt là 3,7 tỷ USD.
Giới phân tích nhận định, với giá trị thấp như vậy, Việt Nam cần lấy thêm miếng bánh thị phần M&A trên toàn cầu và khu vực. Với một nền kinh tế năng động hơn 90 triệu dân, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng M&A nhanh.
Trong năm 2015 và trong những năm tới, thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ được giao dịch trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, bảo hiểm, sản xuất nông nghiệp.
Các yếu tố hỗ trợ cho sự gia tăng của M&A là những thay đổi tích cực trong nền tảng pháp lý, cổ phần hóa… Ở góc độ vĩ mô, việc loại bỏ dần các hạn chế sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực và chương trình tư nhân hóa liên tục của Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ hỗ trợ sự gia tăng M&A. Theo IMAA, tăng trưởng hữu cơ là không đủ trong một nền kinh tế cạnh tranh. Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở ra với các sáng kiến này, các công ty trong nước buộc phải tìm đến M&A như là một cách để tồn tại trong một môi trường ngày càng cạnh tranh.
M&A là một bước tiến để các công ty tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật, chuyên môn điều hành và quản lý. Sự gia tăng trong niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đồng nghĩa với việc các cổ đông sẵn sàng chi thêm tiền để M&A như là một cách phát triển và giành thị phần.
Liên quan đến câu hỏi dòng vốn trên thế giới có đổ về Việt Nam trong thời gian tới hay không, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư tại VinaCapital khẳng định, vấn đề dòng vốn ngoại có đến Việt Nam để hấp thụ quá trình cổ phần hóa, thúc đẩy các thương vụ M&A không phải là vốn nhiều hay ít, mà nằm ở mức giá Việt Nam đưa ra có phù hợp với thị trường hay không.
“Các nhà đầu tư cần được tham gia quá trình định giá hàng hóa khi IPO. Họ là người bỏ tiền ra mua nhưng lại không được định giá, mà người định giá lại là ngân hàng. Nếu họ không tham gia đầu tư vào doanh nghiệp đó, không có điều gì chắc chắn là mức giá đó minh bạch và phù hợp với thị trường. Nếu họ đầu tư vào doanh nghiệp, thì các quỹ đầu tư chấp nhận mức giá mà họ đưa ra, cùng chơi sòng phẳng với nhau”, ông Andy Ho chia sẻ. Điều này cho thấy, các thương vụ M&A khó có thể êm đẹp nếu những đơn vị muốn bán tài sản ở Việt Nam không có cố vấn thương vụ hiểu nghề.