Xuất hành đầu năm và những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết

Hái lộc, xông nhà, xuất hành, chúc Tết... là những tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt xưa. Đó là những giá trị văn hóa mà con cháu Việt gìn giữ đến nay.
Xuất hành đầu năm và những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết

Dù phong vị Tết Nguyên đán ở mỗi nơi mỗi khác, các tục lệ trong dịp này không có nhiều khác biệt.

Chúng là những giá trị văn hóa được người xưa truyền lại để con cháu Việt ngày nay còn lưu giữ, thực hiện.

Hai nhà nghiên cứu Nhất Thanh (sách Đất lề quê thói) và Toan Ánh (sách Nếp cũ) đã ghi nhận, tổng hợp các tục lệ trong Tết Nguyên đán của người Việt Nam

. Những tục lệ này thường được thực hiện ngay khi phút giao thừa qua đi, năm mới chính thức bắt đầu và tiếp tục trong nhiều ngày sau đó.

1. Hái lộc

Người Việt có tục hái lộc, khi đi lễ đêm 30 Tết trở về, họ hái một cành cây, hoa (gọi là lộc) về cài vào cửa hoặc cắm vào bình hương bàn thờ để có ý xin lộc của trời, phật, thần, thánh ban cho.

Xuất hành đầu năm và những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết ảnh 1

 Mua lộc về nhà ngay sau thời khắc giao thừa. Ảnh: Hoàng Hà.

Cành lộc thường là cành đa, đề, si trước các đình, đền, chùa, miếu. Những cây này thuộc loại cây sống lâu nên người ta mong lộc của trời, phật, thần, thánh ban cho sẽ được bền lâu như vậy.

2. Hương lộc

Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái cành lộc, họ xin lộc bằng cách đốt một nén hương sào hoặc một bó hương nhỏ, đứng khấn vái trước bàn thờ. Sau họ mang hương đó về cắm tại bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ Thổ công.

Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về tức là xin lộc của phật thánh để được phù hộ cho làm ăn phát đạt quanh năm.

Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nếu gặp gió, nắm hương bốc cháy, người ta coi là điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm.

3. Xông nhà xông đất

Người Việt xưa tin rằng ngày đầu năm mới, nếu được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết đến nhà trước nhất thì cả năm mọi việc trong nhà hanh thông, dễ dàng…

Nhưng nếu gặp phải người khẳn tính, độc ác hay khờ dại, lăng tính đến xông nhà thì cả năm làm ăn lủng củng, khó khăn hoặc gặp nhiều vẩn vơ bực mình.

Vì vậy, người xưa thường nhờ người đến xông nhà theo ý muốn. Ở nhiều nơi, người ta thường tự xông đất nhà mình lúc trở về sau khi đi lễ chùa, đền, miếu đêm ba mươi Tết. Khi đó, người tốt nết nhất sẽ được vào nhà trước tiên.

4. Xuất hành

Xuất hành là ra đi, ra khỏi cổng, đi khỏi đất làng xã mình ở, bất cứ đi đâu, đi có việc gì. Đầu năm, người ta thường kén ngày giờ xuất hành tốt và hướng đi nào có lợi với mục đích cầu mong sự may mắn quanh năm.

Xuất hành đầu năm và những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết ảnh 2

 Trong ngày Tết, trẻ em Việt thường rất vui vì được mặc quần áo mới, đi chơi tết. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Người Việt còn có tục trong ba ngày Tết, dù có đi đâu, đến chiều tối cũng phải về. Ý nghĩa của tục này là kiêng có đi mà không có về, giông cho cả gia đình.

5. Chúc Tết

Tại các làng quê, ngày mùng một Tết có tục chúc Tết ở đình làng, sau đến các cuộc chúc Tết của thôn, xóm và những phường nghề nghiệp, buôn bán. Xong xuôi, người dân mới trở về nhà lo cái Tết của gia đình mình.

Tại các gia đình, sớm mùng một Tết, sau khi cúng gia tiên và Thổ công, con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ. Các cụ ngồi ở nhà thờ để con cháu tới lạy mừng chúc Tết.

Lúc này, mọi người đều ăn mặc trịnh trọng với những bộ quần áo đẹp nhất của ngày Tết.

Khi chúc Tết các cụ, con cháu thường dâng một món quà Tết (bánh trái) hay một món tiền đặt trong phong giấy hồng. Tiền này gọi là tiền mở hàng, đem lại may mắn cho các cụ quanh năm.

Sau khi nghe chúc Tết xong, các cụ cũng chúc lại những điều tốt đẹp, đồng thời mừng tuổi cho con cháu để họ gặp được may mắn, tốt đẹp.

Ngoài ra, trong suốt mấy ngày Tết, người dân thường đến nhà người thân, hàng xóm chúc Tết những điều thịnh vượng. Khi gặp nhau, những sự tị hiềm trong năm cũ hầu như mất hết, ai cũng niềm nở và chúc người khác những điều họ mong mỏi.

6. Mừng tuổi (lì xì)

Tục mừng tuổi bằng tiền trong lúc chúc Tết của người Việt đã có từ xưa. Tiền mừng tuổi thường được để trong những phong bao giấy hồng và có tiền lẻ với ý rằng tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều, đồng thời, đem lại may mắn cho con cháu.

Tiền mừng tuổi cũng gọi là tiền mở hàng để lấy may. Bạn bè gặp nhau thường mở hàng cho nhau để cầu chúc sự phát đạt. Người ta thường cất số tiền đó đi để giữ lấy may mắn.

Ở miền Nam, mừng tuổi cho trẻ em gọi là lì xì.

Trong ngày Tết, ngoài ông bà cha mẹ, những người lớn trong gia đình cũng mừng tuổi cho các cháu.

Ngoài ra, các em nhỏ đi theo người lớn tới nhà khác lễ Tết, chúc Tết cũng được chủ nhà mừng tuổi để các em hay ăn chóng lớn, học hành thông minh, khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

7. Lễ tết

Tục đi lễ Tết bắt nguồn từ việc người Việt thờ phụng tổ tiên. Họ thờ phụng tổ tiên nhà mình và cũng tôn trọng tổ tiên nhà người khác.

Tại các vùng quê, người ta đến nhà nhau vào ngày Tết không chỉ để chúc Tết như người thành thị mà việc chính là để lễ Tết.

Khi đi lễ Tết, người ta phải mặc quần áo chỉnh tề, đầu đội khăn vì ăn mặc lôi thôi là bất kính với giới vô hình ngự trên bàn thờ và chủ nhà mình tới lễ Tết. Đến mỗi nhà, người đi lễ Tết phải lễ trước bàn thờ gia tiên bốn lạy và ba vái, sau đó mới chúc Tết.

8. Hiếu khách

Xưa nay, người Việt Nam vốn hiếu khách, tinh thần này càng tỏ rõ hơn vào ngày Tết.

Mỗi người tới lễ Tết đều được gia chủ niềm nở chào mời. Sau khi khách lễ gia tiên nhà chủ, họ được mời ăn miếng trầu, uống hợp nước mà không thể từ chối vì như vậy sẽ làm giông (rủi) nhà chủ. Mời khách nếm bánh và được khen ngợi bánh ngon, chủ nhà cho là điềm tốt.

9. Khai bút

Nhân dịp Tết, các tay văn tự và thầy đồ thường chọn ngày giờ tốt để khai bút bằng một bài thơ hoặc câu đối. Thơ và câu đối này được các ông đọc cho nhau nghe rồi cùng ngâm vịnh khi có khách tới lễ Tết.

Xuất hành đầu năm và những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết ảnh 3

Xin chữ đầu năm là một nét văn hóa thú vị của người Việt. Ảnh: Hoàng Hà. 

Các học trò nhân dịp này cũng kén giờ hoàng đạo khai bút để cầu học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt.

10. Gánh nước đầu năm

Ngày mùng một Tết, tại các làng quê và thành thị, những người nghèo thường đi gánh nước ở giếng làng tới các nhà và nhận một món tiền hậu hĩnh.

Gánh nước đầu năm này được mọi gia đình đón nhận niềm nở dù trong nhà không thiếu nước. Người ta tin rằng đầu năm có người gánh nước tới nhà, quanh năm của sẽ vào như nước.

Ngoài ra, ở nhiều làng, sáng mùng một Tết, những người đàn ông tới các nhà chúc Tết mang theo những mảnh giấy đỏ viết Nhất bán vạn lợi (một vốn một vạn lời) hoặc Đại cát tặng chủ nhà và nhận lại một món tiền. Tục này có cùng ý nghĩa với tục gánh nước.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục