Kết quả của cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt và chưa tốt 2016 mà Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam công bố ngày 28/2/2017 cho thấy, các quy định được coi là quy định tốt về tính cần thiết là khi nhà làm luật lựa chọn đúng những vấn đề bức thiết của xã hội để giải quyết.
Ví dụ, quy định “tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” trong Khoản 2, Điều 14, Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 2, Điều 4, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được nhiều người đánh giá cao và họ kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều cải tiến hơn nữa trong việc ban hành các quy định pháp luật liên quan đến xử lý tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến thương mại, kinh doanh.
Hiện nay, các chủ thể thị trường ở Việt Nam đã có quyền và được đảm bảo quyền tự do giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, tính ổn định, chắc chắn và tính hiệu lực của hợp đồng như công cụ thực hiện các giao dịch thương mại còn yếu. Đặc biệt, hiệu lực và hiệu quả thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp chưa cao. Tòa án hay trọng tài hiện nay chưa phải là công cụ được ưu tiên sử dụng trong giải quyết tranh chấp, kể cả các tranh chấp thương mại.
Một điều tra của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về mức độ tiếp cận công lý ở Việt Nam cho thấy, trong số các doanh nghiệp và hộ gia đình được điều tra, có 51 trong số 827 tranh chấp (khoảng 6,1%) được giải quyết thông qua tòa án. Chỉ có khoảng 15% số tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, giữa doanh nghiệp và người dân được đưa ra giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài.
Điều này có thể do một số nguyên nhân như tòa án là công cụ giải quyết tranh chấp tốn kém, kéo dài, không chắc chắn; chưa phải là công cụ bảo vệ tốt tài sản và quyền sở hữu tài sản công dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mất khoảng 400 ngày để giải quyết một tranh chấp hợp đồng thương mại, với chi phí khoảng 29% tổng giá trị hợp đồng (gồm chi phí luật sư, án phí, phí thi hành bản án). Trong khi đó, hiệu quả, hiệu lực thi hành án thấp và số lượng án dân sự tồn đọng là đáng báo động.
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác thi hành án dân sự 2016 diễn ra ngày 11/12/2015, trong năm 2015, có hơn 250.000 vụ việc tồn đọng chuyển sang năm 2016, tương đương với hơn 80.000 tỷ đồng. Thống kê của Tổng cục Thi hành án cho thấy, trong số hơn 250.000 vụ án tồn đọng, có một số lượng lớn án có điều kiện thi hành nhưng vẫn bị chậm trễ kéo dài.
Để cải thiện tình trạng này, giới chuyên môn kỳ vọng, với Bộ luật Dân sự 2015 và các luật liên quan đã và sẽ được sửa đổi, ban hành, sẽ hạn chế các trường hợp hợp đồng bị vô hiệu.
Trường hợp có vi phạm về hình thức nhưng hợp đồng đã được thực hiện một phần hoặc toàn bộ, mục đích của hợp đồng đã đạt được thì hợp đồng được coi là có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, làm rõ khác biệt giữa hợp đồng vi phạm các điều bị pháp luật cấm và hợp đồng có vi phạm pháp luật; xác định rõ các trường hợp hợp đồng vi phạm pháp luật bị vô hiệu; không phải tất cả các hợp đồng vi phạm pháp luật đều tuyên vô hiệu.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng cách xem xét thiết lập trình tự rút ngắn và đơn giản để giải quyết các tranh chấp hợp đồng có giá trị không lớn; quy định hạn chế các trường hợp phúc thẩm (chỉ khi có tình tiết mới, khác so với tòa sơ thẩm); hoàn trả lại án phí trong trường hợp tranh chấp được giải quyết qua trọng tài, hòa giải hoặc rút lại vụ kiện; việc thi hành án chỉ dựa trên phán quyết của tòa; không đặt ra bất cứ yêu cầu hay điều kiện nào đối với bên thắng kiện; đào tạo nâng cao trình độ thẩm phán chuyên trách giải quyết các tranh chấp thương mại; tòa án hoạt động có hiệu quả, có hiệu lực và thu phục được lòng tin của các bên hợp đồng.