Thực tế cho thấy, khi thực thi quyền chủ nợ của mình thì trong hầu hết các trường hợp, ngân hàng đều gặp khó khăn. Theo ông, đâu là căn nguyên của vấn đề?
Trong Điều 351 Luật Dân sự có đề cập về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó, cho phép TCTD có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Còn vấn đề thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo như thế nào thì đã được quy định rõ trong Nghị định 163/2006/NĐ-CP về đăng ký giao dịch đảm bảo.
Quy định là như vậy, nhưng tại sao các ngân hàng vẫn gặp khó khăn? Theo tôi, có một sự mâu thuẫn trong việc vận dụng các quy định pháp luật hiện hành. Phải thừa nhận rằng, hiện đang có quá nhiều các quy định liên quan tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay của ngân hàng, do vậy, việc hiểu và vận dụng các điều khoản luật trong tình huống cụ thể vẫn chưa có sự đồng nhất.
Thậm chí còn có cả những vấn đề mà luật hay các văn bản pháp quy không hề quy định, nhưng trong một số sự vụ cụ thể, các cơ quan thực thi pháp luật vẫn yêu cầu TCTD phải làm. Hoặc “nguy hiểm” hơn trong một số trường hợp, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại đứng hẳn về bên bị xử lý tài sản và “ép ngược lại” TCTD.
Luật sư Thiệu Ánh Dương
Ông có thể nêu các ví dụ cụ thể?
Công việc của tôi liên quan khá nhiều tới việc xử lý tài sản có nhiều trường hợp như vậy đã từng xảy ra, khó có thể kể hết từng trường hợp.
Tôi chỉ nói rằng, chính bản thân tôi khi tham gia các đoàn công tác của ngân hàng, xuống cơ sở sản xuất của khách hàng đã từng bị đe dọa, đập vỡ cửa kính ô tô, đẩy xe xuống sông…, mà không hề được các cơ quan chức năng địa phương bảo vệ.
Không nói các trường hợp đó mà chỉ cần quan tâm một chút tới thông tin do các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải gần đây, có không ít trường hợp ngân hàng bị “đối xử ngược” khi thu hồi nợ như ngân hàng bị phạt vì vi phạm hành chính, nhân viên ngân hàng bị bắt như tội phạm… Tôi khẳng định rằng, tất cả những cách xử lý đó đều không đúng với quy định của Nghị định 163/NĐ-CP.
Như vậy có thể hiểu rằng, pháp luật đã quy định đầy đủ, vấn đề là con người tại chính các cơ quan thực thi pháp luật?
Đúng vậy, nhiều sự kiện cho thấy những con người của cơ quan nhà nước phải là con người hiểu luật, hành xử theo luật nhưng đôi khi cách hiểu không giống nhau, hiểu quá, hiểu sai…
Bên cạnh đó còn có vấn đề nhận thức xã hội, rất nhiều người bất cần pháp luật và đôi khi cũng có những hành vi thái quá như gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, vu khống ngược lại ngân hàng. Những điều này đã trở thành tiền lệ xấu cho tất cả TCTD, đặc biệt, sự mất an toàn luôn bủa vây những người đi xử lý nợ xấu, từ nhẹ là đe dọa đến nặng là các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông, đâu là lối ra cho những khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo?
Gần đây tôi thấy có thông tin rằng bế tắc trong việc xử lý nợ xấu liên quan đến tài sản đảm bảo, thực tế tôi không hiểu tại sao bế tắc, bởi thực tế là xử lý được hết và hoàn toàn là đúng luật. Tôi lấy ví dụ, khi khách hàng bỏ trốn thì tòa án không xử, trong khi theo quy định thì hoàn toàn có thể xử vắng mặt!
Nói điều đó để thấy rằng, pháp luật đã có quy định, cơ quan thực thi pháp luật cũng đủ công cụ trong tay. Việc làm quyết liệt, đến nơi đến chốn trong hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản thu hồi nợ, không chỉ giúp ngân hàng mà còn có ý nghĩa xã hội, giúp nền kinh tế vận hành đúng quy luật của nó.
Theo tôi, trước hết là làm đúng và đủ những gì pháp luật đã quy định trước khi đề cập tới việc điều chỉnh hệ thống pháp luật hiện hành.