Ngân hàng cạnh tranh bán lẻ khiến khách hàng liên tục bị làm phiền

(ĐTCK) Cuộc cạnh tranh giành thị phần bán lẻ, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính dần trở nên nóng khi hoạt động ngày một khó khăn. Điều đó đã khiến không ít khách hàng cảm thấy phiền lòng khi liên tục bị nhân viên các đơn vị này “tấn công” bằng tin nhắn, gọi thoại hàng ngày.
Nhắn tin, gọi điện là những cách nhân viên tín dụng thường sử dụng để chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ Nhắn tin, gọi điện là những cách nhân viên tín dụng thường sử dụng để chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ

Nếu như trước đây để tìm kiếm thông tin khách hàng để chào mời mở thẻ, vay vốn tiêu dùng… khó khăn, thậm chí phải “gõ” cửa tận nhà mới có thể xin được thông tin, thì nay việc làm này không quá khó. 

Chị Nguyễn Minh Mỹ (Q. Thủ Đức, TP. HCM) cho biết: “Chỉ trong một buổi sáng, tôi đã nhận được 3 cuộc gọi mời vay vốn mua nhà từ ngân hàng S. có trụ sở trên địa bàn Thành phố, với lãi suất được chào ở mức ưu đãi 7,99%/năm. Do không có nhu cầu nên tôi đã từ chối và nói khi nào có nhu cầu sẽ gọi lại. Thế nhưng, liên tục những ngày sau đó, tôi vẫn bị làm phiền bởi hàng loạt cuộc gọi và tin nhắn của nhân viên ngân hàng này”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thùy Linh (Q.2, TP. HCM) cho hay, có ngày chị nhận được cả chục cuộc gọi từ ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm chào mời vay vốn tiêu dùng, mua nhà và mua bảo hiểm. Trong đó, nhiều nhất là VPBank, VIB, ANZ, Sacombank và cả những ngân hàng ngoại.

“Không biết ở đâu các ngân hàng có được số điện thoại, thậm chí email cá nhân của mình để gửi thông tin. Nhưng liên tục bị làm phiền bằng cách này thì thấy rất bực mình”, chị Linh bức xúc nói.

Ngoài đội ngũ nhân viên chính thức, hiện các ngân hàng đều có mạng lưới cộng tác viên dày đặc bán hàng ăn theo doanh thu. Đây được xem là chiến lược đẩy mạnh mảng bán lẻ và tăng cho vay tiêu dùng, nhưng điều đó lại khiến không ít khách hàng phải đau đầu.

Trước thực trạng này, một lãnh đạo trong ngành ngân hàng thừa nhận, cạnh tranh để giành thị phần tín dụng hiện nay rất gay gắt.

Cùng với việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, nhất là công ty tài chính vừa tham gia thị trường, buộc nhân viên tín dụng phải dùng mọi cách để tiếp cận khách hàng bán được hàng.

Đó cũng là một trong những lý do các ngân hàng đẩy mạnh tuyển và sử dụng cộng tác viên khi việc mở rộng mạng lưới bị hạn chế, đặc biệt là ở một số ngân hàng mua lại công ty tài chính để chuyển đổi công năng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trên, nếu các ngân hàng thương mại không có sự đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên một cách bài bản, thì việc tiếp cận khách hàng bằng mọi giá cũng chưa hẳn là giải pháp tốt để thu hút người vay, mở thẻ…

Điều này cũng được ông Trịnh Minh Thảo, nguyên Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân miền Nam của Techcombank đề cập đến trong cuốn sách “Bí quyết và kỹ năng bán sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ”.

Theo ông Thảo, để triển khai thực hiện các mục tiêu của ngân hàng bán lẻ, ngoài việc tập trung đầu tư nền tảng công nghệ, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng, thì yêu cầu hoàn thiện mô hình phân phối và tối đa hóa năng lực bán hàng càng trở nên quan trọng, vì nó có tính quyết định trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của mỗi ngân hàng.

Hiện đa phần các ngân hàng đều chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo nhưng do tài liệu tham khảo mảng bán lẻ còn hiếm, hầu hết là các sách nước ngoài và chủ yếu là từ các ngành kinh doanh khác, tính thực tế không cao nên rất khó để giúp đội ngũ bán hàng cải thiện kỹ năng.

Theo ông Thảo, để thành công, “đừng cố gắng bán mà hãy giúp khách hàng mua” - đây cũng chính là nội dung cuốn sách được tác giả vừa cho ra mắt, nhằm chia sẻ kinh nghiệm thiết thực cho nhân viên ngân hàng trong quá trình bán hàng.   

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục