Vướng mắc vẫn là câu chuyện pháp lý
Ông Hà Sỹ Vịnh, Phó giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và xử lý rủi ro Agribank cho biết, để xử lý tài sản bảo đảm, khâu đầu tiên, TCTD (bên nhận bảo đảm) phải thu giữ hoặc được bàn giao tài sản bảo đảm. Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa quy định chi tiết việc thu giữ hoặc được bàn giao tài sản bảo đảm.
Theo Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Điều 9 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT- BTP-BTNMT-NHNN ngày 6/6/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản thì người giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản, hết thời hạn theo thông báo mà bên giữ tài sản không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) quy định về giao tài sản bảo đảm để xử lý tại Điều 301 như sau: người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý; trường hợp người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
“Như vậy, các TCTD không được quyền thu giữ tài sản khi bên đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc TCTD không được xử lý tài sản theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm - một nguyên tắc cơ bản quy định tại Bộ luật Dân sự. Các TCTD buộc phải khởi kiện - thực hiện theo con đường tố tụng, thi hành án”, ông Vịnh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý và xử lý nợ có vấn đề SHB chia sẻ, thực tế tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù các TCTD đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thông báo về xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Nghị định số 163 và Thông tư số 16, nhưng bên bảo đảm không hợp tác, cố tình chống đối (không di chuyển ra khỏi tài sản, không ký biên bản thu giữ tài sản…), cố tình chiếm giữ tài sản bảo đảm thì các TCTD cũng không thể tiến hành thu giữ được tài sản bảo đảm.
“Giải pháp cuối cùng trong trường hợp này là các TCTD phải nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án và theo đuổi tiến trình tố tụng rất dài, tốn kém thời gian và chi phí để có thể xử lý được tài sản bảo đảm thu hồi nợ”, ông Hưng nói.
Kỳ vọng nghị quyết về xử lý nợ xấu
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và kỳ vọng sẽ được thông qua ngay trong kỳ họp này. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và kết thúc vào ngày 1/7/2022.
Theo dự thảo, Nghị quyết không phân biệt nợ xấu của các các TCTD theo sở hữu, tức không phân biệt nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước hay của ngân hàng thương mại cổ phần, mà gọi chung là nợ xấu của các TCTD đang hoạt động trên đất nước Việt Nam.
Đáng chú ý, Nghị quyết chỉ xử lý nợ xấu kết toán đến ngày 31/12/2016. Với các khoản nợ xấu hình thành từ ngày 1/1/2017, các TCTD phải thực hiện theo Luật Các TCTD hiện hành và cần thiết sẽ phải sửa đổi một số điều trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
“Điều này có nghĩa, Nghị quyết về xử lý nợ xấu không dùng để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các TCTD từ ngày 1/1/2017 và không xóa trách nhiệm đối với các sai phạm của các TCTD tính đến thời điểm 31/12/2016”, TS. Kiên nhấn mạnh.
Đặc biệt, Nghị quyết hệ thống hóa lại quy trình xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu và quy định giải quyết tranh chấp qua tòa án theo quy trình rút gọn. Trong đó, các quy định đều đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tôn trọng quyền của chủ nợ, tôn trọng và yêu cầu con nợ phải có trách nhiệm với cam kết của mình theo pháp luật dân sự hiện hành, đồng thời vẫn đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Kiên, các luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm hiện nay quy định việc xử lý tài sản được thực hiện theo nhiều bước, nhưng Nghị quyết rút gọn thành 2 bước. Cụ thể, đối với các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm, trước hết thực hiện theo thỏa thuận giữa các TCTD và người vay nợ. Khi có tranh chấp, các TCTD có quyền kiện ra tòa và theo tinh thần của Nghị quyết, tòa sẽ xử theo quy trình rút gọn đảm bảo thời gian giải quyết nhanh và có hiệu lực ngay.
“Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về trình tự rút gọn đối với cơ quan thi hành án dân sự (Tổng cục Thi hành án của Bộ Tư pháp) để đảm bảo việc thu giữ tài sản bảo đảm đã được đăng ký của người vay cố tình chây ì không chịu thực hiện các cam kết hợp đồng dân sự của mình được xử lý nhanh chóng, đồng thời không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của nền kinh tế”, ông Kiên nói.
“Hy vọng, Nghị quyết này có thể giải tỏa được những vấn đề nóng của các TCTD trong 4 năm qua từ thực tế điều hành nền kinh tế đất nước. Từ đó, làm lành mạnh hoạt động của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần giảm lãi suất cho vay, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập”, ông Kiên nói.