Xử lý nợ xấu: Đừng biến ngân hàng thành người “hành khất“

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, việc Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là điều rất cần thiết và kỳ vọng nó sẽ làm lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần giảm lãi suất cho vay… Tuy nhiên, Nghị quyết xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người “hành khất".
Xử lý nợ xấu: Đừng biến ngân hàng thành người “hành khất“

 Nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại

Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu, nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật” diễn ra ngày 23/5, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

Điều đáng quan ngại là số nợ xấu này tập trung vào một số ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu, với nguồn vốn bổ sung rất hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã có đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng từ năm 2011, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. 

Báo cáo trước Quốc hội chiều ngày 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, trong 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611.590 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các tổ chức tín dụng xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Nếu không cho phép ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ xấu thì dễ dẫn tới tình huống: ngân hàng đi “lạy” công an, “lạy” tòa án, cầu xin thi hành án. Từ chủ nợ biến thành con nợ. Khi cho vay thì đứng, còn khi đi đòi nợ thì “quỳ”

- TS.Nguyễn Đức Hưởng

“Nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm

Mặc dù cho biết, hệ thống pháp luật ngân hàng đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động ngân hàng, nhưng ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cũng thừa nhận, các bất cập của hệ thống pháp luật và các vướng mắc nảy sinh trong việc thi hành các quy định pháp luật làm cho cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng hoạt động kém hiệu quả, hệ thống cưỡng chế thi hành các thỏa thuận, hợp đồng không được xây dựng, vận hành có hiệu quả, chưa là chỗ dựa tin cậy cho các bên liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Xử lý nợ xấu: Đừng biến ngân hàng thành người “hành khất“ ảnh 1

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam theo con đường Tòa án là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ và Chỉ số Chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18.

Đồng thời, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành 2016 là 15.949 việc với giá tiền tồn đọng, chưa được thi hành là 58.997 tỷ đồng.

Để xử lý bài toàn nợ xấu, TS. Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của LienVietPostBank cho rằng, cần phải nhìn thẳng sự thật mới mạnh dạn cho ra đời những cơ chế phù hợp.

Một tin vui với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế là cơ chế riêng để xử lý nợ xấu sắp được ban hành.

Cụ thể, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết sớm ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu.

“Hy vọng Nghị quyết này có thể giải tỏa được tất cả những vấn đề nóng của tổ chức tín dụng trong 4 năm qua từ thực tế điều hành nền kinh tế đất nước. Từ đó, làm lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần giảm lãi suất cho vay…”, ông Kiên nói.

Đừng biến ngân hàng thành người “hành khất"

Việc ban hành một Nghị quyết riêng về vấn đề xử lý nợ xấu, một số ý kiến cho rằng, liệu có sự ưu ái riêng cho hệ thống ngân hàng?

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành khẳng định, bất kỳ quá trình ứng phó, xử lý các vấn đề lớn liên quan đến nhiều bên, đến dòng tiền lớn…, mà chúng ta lại muốn làm rất quyết liệt (vì tính chất cấp bách để giảm thiểu phí tổn không cần thiết cho nền kinh tế cả hiện tại và trong thời gian tới), thì một sự hoàn hảo đầy đủ là rất khó.

Tuy nhiên, riêng vấn đề này, phải đặt lợi ích chung lên cao nhất, gắn với sự ổn định, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc của cả nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

“Theo nghĩa đấy, việc thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành ngân hàng, mà là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế. Nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch.

Ngoài ra, những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh, chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai ở đây”, TS. Thành nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu: Đừng biến ngân hàng thành người “hành khất“ ảnh 2

 Nợ xấu đang ăn mòn lợi nhuận của nhiều ngân hàng (Ảnh minh họa: Internet)

Đồng quan điểm, TS. Hưởng cho rằng, Nghị quyết không phải nhằm xử lý vấn đề của hệ thống ngân hàng, mà là cả một nền kinh tế. NHNN cũng rất khắt khe nên trong quá trình xử lý nợ xấu, sai phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, Nghị quyết xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người “hành khất".

"Nếu không cho phép ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ xấu thì dễ dẫn tới tình huống: ngân hàng đi “lạy” công an, “lạy” tòa án, cầu xin thi hành án. Từ chủ nợ biến thành con nợ. Khi cho vay thì đứng, còn khi đi đòi nợ thì “quỳ”..., mất rất nhiều thời gian, chi phí tăng lên, nợ xấu tích tụ lại thành “cục máu đông", ông Hưởng nói.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả, theo ông Thành, NHNN giữ vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là người thực thi chính sách tiền tệ, là một trong những thành viên chủ chốt trong giám sát và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng, cũng như thúc đẩy cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Song điều ấy không có nghĩa chỉ là NHNN.

Xử lý nợ xấu, nhất tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản, đất đai, thuế, phí… lại gắn thủ tục quy trình pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh các luật, của nhiều bộ, ngành khác nhau.

“Yếu tố then chốt là chúng ta cần phải có cam kết chính trị ở cấp cao nhất. Như thời điểm này, Bộ chính trị, Chính phủ và bây giờ là Quốc hội cũng thấy vấn đề xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh, triển khai quyết liệt. Với tinh thần như vậy, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là thủ trưởng các bộ, ngành, phải rất quyết liệt trong thực thi trách nhiệm đảm bảo xử lý nợ xấu một cách hiệu quả”, TS. Thành nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục