Xử lý nợ xấu đang trong giai đoạn “mất điểm tựa pháp lý”

(ĐTCK) Đây là nhận định của ông Lê Hoài Ân - CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp xung quanh vấn đề nợ xấu hiện nay.
Nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh

Ông nhận định thế nào về tình hình nợ và nợ xấu của các ngân hàng qua báo cáo tài chính được công bố vừa qua?

Tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang bước vào một giai đoạn đặc biệt nhạy cảm và mang nhiều yếu tố bất định. Báo cáo quý I/2025 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng gia tăng trở lại và đã vượt 3% - ngưỡng cảnh báo theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ NPL tiệm cận hoặc vượt 4-5%, chủ yếu tập trung ở khối ngân hàng cho vay cá nhân và tiêu dùng như TPBank, VIB hay VPBank.

Thực trạng này càng trở nên đáng lo ngại khi nợ nhóm 2 - là các khoản nợ có dấu hiệu quá hạn nhưng chưa chuyển sang nợ xấu, cũng đang tăng nhanh. Đây là chỉ báo sớm về rủi ro chuyển nhóm nợ trong thời gian tới, đặc biệt từ quý II và III/2025, khi phần lớn các khoản vay được tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 hết thời hạn gia hạn.

Ông Lê Hoài Ân - CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính

Nhiều chuyên gia và giới phân tích đã dự báo trước xu hướng này, bởi về bản chất, việc giữ nguyên nhóm nợ chỉ giúp trì hoãn phản ánh thực trạng tài chính của khách hàng trong sổ sách ngân hàng, chứ không thể thay đổi năng lực trả nợ thực tế. Khi thời gian hỗ trợ kết thúc, các khoản vay không đủ điều kiện sẽ buộc phải phân loại lại, kéo theo sự gia tăng tất yếu về tỷ lệ nợ xấu.

Tuy nhiên, điều khiến tôi đặc biệt lưu ý là nguy cơ gia tăng nợ xấu trong năm 2025 sẽ không diễn ra đồng loạt, mà có tính phân hóa theo từng nhóm ngân hàng. Những ngân hàng có tỷ trọng lớn trong cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, hoặc được hỗ trợ bởi dòng tiền từ đầu tư công sẽ ít chịu tác động hơn. Trong khi đó, nhóm ngân hàng bán lẻ - vốn phụ thuộc vào thu nhập hộ gia đình và tiêu dùng cá nhân - sẽ chịu rủi ro lớn hơn do sức mua, niềm tin tiêu dùng đang phục hồi chậm và thanh khoản thị trường bất động sản chưa bật mạnh, khiến người mua còn phải gồng gánh lãi cho các khoản đầu tư bất động sản trước đó.

Nguyên nhân nợ xấu tăng và chuyển nhóm nợ tại các ngân hàng là gì?

Thực tiễn 6 năm áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 đã chứng minh rằng, chỉ khi có một cơ chế pháp lý đặc thù thì việc xử lý nợ xấu mới thực sự chuyển biến.

Có thể quy tụ nguyên nhân thành 3 nhóm chính: Một là, di chứng từ thời kỳ kích tín dụng hậu Covid; hai là, khó khăn kéo dài của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình; ba là, điểm nghẽn pháp lý trong thu hồi tài sản bảo đảm.

Về mặt lịch sử, từ năm 2020 đến 2022, hệ thống ngân hàng đã đồng hành rất mạnh mẽ với nền kinh tế thông qua chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn tỷ đồng tín dụng đã được đóng băng tạm thời, không phản ánh đầy đủ rủi ro tín dụng. Khi các chính sách hỗ trợ kết thúc, các khoản vay bắt đầu trở về thực trạng thật, thì đó là lúc bức tranh xám hiện ra.

Về mặt kinh tế thực, áp lực từ suy giảm cầu tiêu dùng, khó khăn trong ngành bất động sản và sức ép lãi suất từ thị trường quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể phục hồi dòng tiền như kỳ vọng. Đặc biệt, các khoản vay tiêu dùng cá nhân chịu ảnh hưởng nặng từ lạm phát, thất nghiệp cục bộ và giá cả hàng hóa tăng. Hậu quả là ngân hàng không chỉ đối mặt với nợ xấu gia tăng, mà còn bị kẹt vốn trong các khoản cho vay không thể thu hồi hiệu quả và khả năng “gồng lãi” của người vay ngày càng giảm.

Điều đáng nói hơn là hệ thống pháp lý chưa theo kịp thực tế. Khi tài sản bảo đảm - chủ yếu là bất động sản - không thể xử lý nhanh chóng do vướng mắc pháp lý, ngân hàng không thể thu hồi nợ, dù khách hàng đã mất khả năng trả nợ. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi khiến xử lý nợ xấu ở Việt Nam luôn mất nhiều thời gian hơn so với chuẩn quốc tế.

Việc giải quyết nợ xấu được nhận định khá khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ông có đồng tình với nhận định này?

Tôi không chỉ đồng tình mà còn cho rằng, đây là giai đoạn “mất điểm tựa pháp lý” nghiêm trọng nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Trước đó, từ năm 2017, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã giúp hệ thống ngân hàng xử lý được tổng cộng hơn 400.000 tỷ đồng, trong đó có gần một nửa liên quan đến nợ có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2024, nghị quyết này đã hết hiệu lực và chưa có văn bản pháp luật nào kế thừa, dẫn đến khoảng trống pháp lý nghiêm trọng. Hiện các ngân hàng đang phải xử lý nợ xấu theo các quy định rời rạc trong Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản…, trong khi không có quy trình phối hợp liên ngành rõ ràng.

Một thực tế nữa là các ngân hàng đang nắm giữ hàng trăm nghìn tỷ đồng tài sản bảo đảm (gồm bất động sản, phương tiện, máy móc…) nhưng không thể định giá lại, thu giữ, hay bán đấu giá vì vướng quy trình pháp lý. Điều này khiến dòng vốn bị “chôn” lại, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng tín dụng mới.

Bởi vậy, kỳ vọng những “nút thắt” trong xử lý nợ xấu sẽ được tháo gỡ tại kỳ họp Quốc hội lần này là hoàn toàn chính đáng và nếu thành hiện thực sẽ có ý nghĩa chiến lược cho toàn ngành ngân hàng. Thực tiễn 6 năm áp dụng Nghị quyết 42/2017 đã chứng minh rằng, chỉ khi có một cơ chế pháp lý đặc thù thì việc xử lý nợ xấu mới thực sự chuyển biến.

Không thể phủ nhận, Nghị quyết 42/2017 là chất xúc tác cho cả hệ thống tín dụng, giúp ngân hàng thu hồi nợ nhanh hơn, đồng thời nâng cao ý thức hợp tác của khách hàng vay nợ. Tuy nhiên, vì tính chất Nghị quyết thí điểm nên nó thiếu tính ổn định và lâu dài. Sau khi Nghị quyết hết hiệu lực, toàn bộ quá trình xử lý lại quay về tình trạng trói chân ngân hàng và khiến các ngân hàng gặp nhiều lúng túng trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Do đó, việc Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu - với tính hiệu lực lâu dài, khả năng phối hợp liên ngành và đủ sức cưỡng chế trong thực thi - là yêu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn thêm.

Theo ông, Luật Xử lý nợ xấu được ban hành sẽ hỗ trợ các ngân hàng như thế nào trong việc xử lý nợ? Đây có là bàn đạp thúc đẩy các ngân hàng cho vay mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra?

Một đạo luật được thiết kế tốt sẽ có tác động rất sâu rộng, cả về mặt kỹ thuật tín dụng lẫn tâm lý thị trường.

Thứ nhất, việc xử lý tài sản bảo đảm được tiến hành nhanh hơn sẽ giảm đáng kể chi phí trích lập dự phòng, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và tỷ lệ sinh lời trên tài sản (ROA) của ngân hàng.

Thứ hai, luật hóa cơ chế xử lý nợ xấu sẽ góp phần “làm sạch” bảng cân đối kế toán, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu, qua đó nâng cao tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có thể mạnh dạn cấp hạn mức tín dụng lớn hơn, giúp đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 16% trong năm 2025 như Chính phủ kỳ vọng.

Thứ ba, luật mới sẽ giúp kích hoạt thị trường mua bán nợ (secondary debt market) - một mắt xích mà Việt Nam còn thiếu trong chuỗi xử lý nợ xấu. Khi thị trường nợ thứ cấp hình thành, các ngân hàng sẽ không còn “ôm” nợ xấu mãi, mà có thể bán lại cho các tổ chức chuyên biệt để thu hồi dòng tiền.

Tóm lại, Luật Xử lý nợ xấu nếu được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là cơ chế chuyển đổi cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng lành mạnh, minh bạch và chủ động hơn. Điều đó sẽ khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, tạo đà để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay.

Hồng Dung thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục