Nợ xấu năm 2025 có thể tăng nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mặc dù lạc quan về triển vọng tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận, song việc kiểm soát nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của các ngân hàng trong năm 2025.
Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế

Chưa hết áp lực

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tổng số nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn, với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn hệ thống. Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại đến hết năm 2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%, gồm MBV (7,18%), GPBank (15,87%), VCBNeo (43,76%), DongA Bank (46,1%) và SCB (98,50%)... Trong số này, 4 ngân hàng là MBV, GPBank, VCBNeo và DongA Bank đã được chuyển giao bắt buộc; SCB đang trong diện kiểm soát đặc biệt.

Còn theo thống kê của Wichart, tính đến cuối năm 2024, nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng thương mại là hơn 131.000 tỷ đồng, tăng khoảng 39.500 tỷ đồng so với năm 2023, tương đương mức tăng 43%. Ngoài ra, tỷ trọng nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0,91% năm 2023 lên 1,11% vào năm 2024.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng rất mong muốn luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, nhưng vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết. Để hỗ trợ quá trình này, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng yếu kém, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét việc luật hóa Nghị quyết 42 nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho công tác xử lý nợ xấu và ổn định hệ thống tài chính.

Báo cáo của FiinRatings nhận định, giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2024, tốc độ tăng trưởng cho vay trong ngành ngân hàng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng nợ xấu, bao gồm cả nợ nhóm 3 - 5 và nợ xấu chuyển giao cho VAMC. Điều này cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng đang chịu áp lực lớn. FiinRatings dự báo, năm 2025, các ngân hàng, gồm cả ngân hàng nhỏ, một số ngân hàng tư nhân lớn có tỷ lệ nợ xấu và nợ có vấn đề cũng như tỷ lệ nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cao hơn mức trung bình ngành sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản.

Hiện chỉ còn 4 nhà băng duy trì được tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên ngưỡng 100%, là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank

Thông tin được ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank chia sẻ, mặc dù Ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu song nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% của Agribank gặp rất nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh chỉ còn một năm thực hiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng.

Trước tình trạng trên, đại diện Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.

Nhận định được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra, dù nợ xấu toàn ngành ngân hàng có xu hướng giảm trong quý IV/2024 nhưng rủi ro chưa thể bị loại bỏ hoàn toàn. Nếu thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn trong năm 2025, nguy cơ nợ xấu tái bùng phát vẫn rất lớn. Để kiểm soát rủi ro, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường thẩm định, kiểm soát tín dụng, nâng cao tỷ lệ trích lập dự phòng, đồng thời áp dụng các biện pháp thu hồi nợ hiệu quả hơn. Điều này nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng duy trì ổn định trước áp lực tài chính ngày càng lớn.

Bộ đệm dự phòng ở nhiều ngân hàng mỏng hơn

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, nợ xấu có thể tăng nhẹ trong năm 2025 sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 còn khoảng 126.000 tỷ đồng. VDSC ước tính nợ xấu tiềm ẩn (bao gồm nợ tái cơ cấu, nợ VAMC chưa xử lý, trái phiếu doanh nghiệp đã gia hạn) cuối quý III/2024 xấp xỉ khoảng 70% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống và lo ngại rằng một phần dư nợ này có thể chuyển thành nợ xấu trong năm 2025.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, nợ xấu tăng sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng kiểm soát nợ xấu nội bảng do các ngân hàng đã trích lập dự phòng bổ sung tương đối đầy đủ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-NHNN, cho phép các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 được tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho đến hết năm 2026.

Từ góc nhìn của ông Cao Việt Hùng, CFA, Giám đốc Phân tích ngành Tài chính ACBS nhận định, dù vẫn tăng nhẹ trong hai quý liên tiếp cuối năm 2024, song có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.

Theo ông Hùng, thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo sẽ giảm xuống 1,5% vào cuối năm 2025, từ mức 1,6% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023 - 2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao. Thực tế cho thấy, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng không còn “dày”, nhưng có sự phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ nhìn chung có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 27 ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) của 13 ngân hàng giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. 14 nhà băng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng năm qua, song chỉ còn 4 nhà băng duy trì được tỷ lệ này trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank.

MBS có góc nhìn lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đạt khoảng 17 - 18%. Chất lượng tài sản được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2025. Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm trong năm 2024, giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu trong năm 2025. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng dự báo nhanh hơn cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu. Những ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng và thu hồi nợ xấu trong năm 2024 được dự báo có thể đẩy mạnh tín dụng trong năm 2025.

Năm 2025, các chuyên gia MBS dự báo chi phí dự phòng của các ngân hàng (trong nhóm theo dõi) sẽ tăng 16,9%, trong đó các ngân hàng quốc doanh tăng thấp hơn với 12,6% do tín dụng phần lớn tập trung vào doanh nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, Thông tư 02/2023/TT-NHNN một mặt giúp các ngân hàng có thêm thời gian đối phó, xử lý nợ xấu, mặt khác cũng đã gỡ khó cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, có kế hoạch trả nợ phù hợp. Tuy nhiên, việc Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 cũng không gây ra quá nhiều cú sốc cho các ngân hàng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thông tin báo chí về tình trạng nợ xấu nhóm 5 tăng cao tại nhiều ngân hàng vào cuối năm 2024, từ đó xem xét và thực hiện các giải pháp kiểm soát, hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục