Xử lý nợ xấu, cần thêm sự phối hợp của địa phương

(ĐTCK) Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu bước đầu đạt kết quả khả quan, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Và một trong số đó là chưa giải quyết được căn bản, cốt lõi của nợ xấu…
Trong 7 tháng đầu năm 2017, nợ xấu tại VAMC đã tăng thêm 6.000 tỷ đồng Trong 7 tháng đầu năm 2017, nợ xấu tại VAMC đã tăng thêm 6.000 tỷ đồng

Nợ xấu tại VAMC tiếp tục tăng

Ông Aaron Batten, Chuyên gia Kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu thời gian qua rất hạn chế.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu - bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu - ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, để đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức dưới 3%, cơ quan này đã thực hiện mua một khối lượng nợ xấu rất lớn trong thời gian qua. Cụ thể, tính đến 31/8/2017, VAMC mua được 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng, với giá mua 266.335 tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt.

Ông Thắng chia sẻ thêm, 2017 cũng là năm VAMC triển khai việc mua nợ theo giá thị trường và tháng 8 vừa qua đã mua thành công khoản nợ đầu tiên từ Ngân hàng TMCP Bản Việt. Tuy nhiên, ông Thắng không tiết lộ thông tin chi tiết về thương vụ này.

Đối với việc xử lý nợ, lũy kế từ 2013 đến tháng 8/2017, VAMC đã thực hiện điều chỉnh lãi suất của 127 khách hàng, với dư nợ gốc được điều chỉnh là 2.057 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 714 khách hàng, với số tiền miễn giảm lãi là 1.399 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 37 khách hàng, với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 1.110 tỷ đồng.

Lũy kế từ 2013 đến 31/12/2016, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) bán được 139 khoản nợ của 59 khách hàng, với giá bán là 7.816 tỷ đồng; bán tài sản bảo đảm với giá bán 11.026 tỷ đồng.

Số liệu thống kê từ ADB cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, VAMC mới chỉ xử lý được gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu, nhanh hơn so với năm ngoài. Tuy nhiên, VAMC mua được thêm khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu, nghĩa là theo ông Batten, tổng số lượng nợ xấu cơ quan này nắm giữ đã tăng thêm 6.000 tỷ đồng.

Quá trình xử lý nợ xấu: Thiếu sự đồng thuận…

Đại diện Techcombank cho biết, một trong những biện pháp xử lý nợ mang lại kết quả nhanh và hiệu quả đối với những khoản nợ xấu là thu giữ tài sản để bán đấu giá công khai (Điều 336 và Điều 355-Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định quyền xử lý tài sản đảm bảo và các văn bản hướng dẫn).

Theo đó, pháp luật đã quy định: “Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác, thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.

Thực tế, dù các TCTD đã gửi trước hồ sơ và kế hoạch thu giữ tài sản đến chính quyền địa phương theo đúng quy định, thì vẫn tồn tại tình trạng nhiều địa phương không đồng ý hỗ trợ, thậm chí ngăn cản hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của TCTD thông qua việc “mời” cán bộ của TCTD lấy lời khai đến sáng; hoặc yêu cầu TCTD không được thực hiện việc thu giữ; hoặc yêu cầu TCTD ra khỏi địa điểm có tài sản và nhiều trường hợp yêu cầu TCTD trả lại tài sản đã thu giữ xong…

Cụ thể hơn, đại diện Techcombank cho biết, trong tháng 10/2016, Ngân hàng đã tiến hành thu giữ 1 tài sản bảo đảm tại Hà Nội của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù Ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ tài sản bảo đảm này (bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ), nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, Ngân hàng đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng, nhưng cơ quan chức năng thuộc một số Ủy ban Nhân dân quận/huyện lại chủ trương không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, trong khi tại các quận/huyện khác, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm này lại được tiến hành bình thường.

“Trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm, việc thu giữ, bán, sang tên, hạch toán thu nợ một số tài sản bảo đảm của Techcombank kéo dài hàng năm trời. Cá biệt, có không ít trường hợp phiên đấu giá tài sản đã diễn ra từ năm 2013, nhưng đến nay, tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng đấu giá.

Thực tế đã chứng minh, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm gặp khó khăn hơn do chính quyền địa phương không đồng thuận và đến nay, hàng trăm tài sản bảo đảm nằm phơi sương mà TCTD không làm gì được”, đại diện Techcombank cho biết.

… và thiếu cả sự đồng bộ

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ và Chỉ số Chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18 điểm. Đồng thời, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành năm 2016 là 15.949 vụ việc, với giá tiền tồn đọng, chưa được thi hành là 58.997 tỷ đồng.

Đề cập đến khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, ông Nguyễn Phi Lân, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nha nước) cho biết:

Thứ nhất, giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Thứ hai, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ ba,cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.

Thứ tư, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung, nhất là các văn bản pháp lý và cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn thiếu, tồn tại nhiều bất cập và chậm được hoàn thiện, bổ sung kịp thời; tính cưỡng chế, hiệu lực thực thi pháp luật chưa cao.

Thứ năm, giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian qua chủ yếu bằng các biện pháp và chi phí của ngành ngân hàng, không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước.

Một điểm đáng chú ý được ông Thắng cho biết, VAMC đã được phê duyệt cấp tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, vốn của VAMC vẫn chưa được cấp đủ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục