Xử lý nợ xấu: Xong phần “ngọn”, tiếp tục phần “gốc”

(ĐTCK) Chính thức được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề về nợ xấu, nhưng thực tế không hẳn vậy. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng nhận định, để giải quyết nợ xấu, Nghị quyết mới chỉ là “phần ngọn”, cần phải thực hiện song hành từ “phần gốc”.
Xử lý nợ xấu: Xong phần “ngọn”, tiếp tục phần “gốc”

Nghị quyết xử lý nợ xấu không phải “cây đũa thần”

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam phân tích, Nghị quyết nợ xấu có những điểm mới là: thứ nhất, thay đổi về quy định thu giữ tài sản của các TCTD, cụ thể là trao quyền xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD.

So với Dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội, các nội dung tại Điều 7 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã bổ sung các quy định, trong đó bao gồm: quy định chỉ cho phép TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thu giữ mà không ủy quyền cho các tổ chức khác như công ty dịch vụ đòi nợ, quy định không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm (Khoản 6); quy định trách nhiệm của Bộ Công an, cơ quan công an, chính quyền địa phương các cấp (Khoản 5 và Khoản 7).

“Người đi vay tiền phải trả nợ ngân hàng. Trong trường hợp không trả được nợ, buộc phải bán tài sản đảm bảo để trả nợ, nghĩa là TCTD được linh hoạt hơn trong xử lý nợ. Dù rằng vẫn còn phải đợi tòa án hướng dẫn thêm, nhưng hệ thống ngân hàng sẽ triển khai theo Nghị định”, bà Dương phân tích.

Thứ hai, theo Điều 16, TCTD được phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu của TCTD chưa thoái theo quy định, chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này vào kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm theo các nguyên tắc sau: mức phân bổ hằng năm tối thiểu là mức chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng; thời hạn phân bổ số lãi dự thu tối đa không quá 10 năm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này; thời hạn phân bổ chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này tối đa không quá 5 năm.

“Thoái lãi dự thu trong vòng 10 năm sẽ không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TCTD ngay lập tức”, bà Dương nhận định.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhận định: “Nghị quyết không phải là ‘cây đũa thần’ dẹp tan mọi nợ xấu, mà tạo ra một ứng xử bình đẳng, tôn trọng thỏa thuận luật pháp theo Luật Dân sự, góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD”.

Để giải quyết tận gốc của câu chuyện nợ xấu, theo bà Dương, bao gồm 2 vấn đề: cơ quan nhà nước phải có chế tài để giám sát các TCTD trong việc kiểm soát nợ xấu, đồng thời, các TCTD  phải kiểm soát nợ xấu tốt hơn. Theo thống kê, có 20% dư nợ là của các công ty nhà nước, cho vay cá nhân thế chấp bằng tài sản cũng thấp, chỉ khoảng 10% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, còn lại khoảng 70% là của các tập đoàn tư nhân, dự án rất lớn.

“Các ông chủ ngân hàng tự xử lý tài sản đảm bảo cũng chính là các dự án của các ông chủ này là việc cần phải suy nghĩ”, bà Dương nói.

Xử lý gốc của nợ xấu: cần áp dụng Basel II

Ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VPBank nêu quan điểm, áp dụng Basel II sẽ cải thiện, chuẩn hóa, lành mạnh hóa và quản trị theo hướng chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu. Basel được xây dựng trên nguyên tắc nhằm đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ.

Cụ thể, áp dụng Basel II giúp đánh giá toàn diện hoạt động của ngân hàng, định lượng được rủi ro cho mọi hoạt động, mọi giao dịch đã và đang phát sinh. Lượng hóa được rủi ro sẽ chỉ ra rằng, ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp được cho rủi ro. Như vậy, nếu như hiện nay, việc hoạch định chiến lược kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh ấy mang lại, yếu tố rủi ro chỉ tác động ở một mức độ khiêm tốn, thì sau khi Basel II được áp dụng, vai trò của rủi ro sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, theo ông Dmytro Kolechko, áp dụng Basel II còn giúp các ngân hàng phòng tránh rủi ro trong tương lai. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007, Basel đã bổ sung các đánh giá sức chịu đựng của ngân hàng qua các kiểm nghiệm sức chịu đựng (Stress-Test).

Với các cuộc kiểm nghiệm định kỳ, các nhà quản lý hoàn toàn nắm rõ sức chịu đựng của ngân hàng mình dưới tác động của thị trường trong tình trạng khắc nghiệt. Như thế, với nhận thức về rủi ro, các thành viên của thị trường tài chính sẽ phản ứng có trách nhiệm hơn cho tính ổn định của thị trường.

“Triển khai Basel II tại các ngân hàng nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thiết lập mô hình quản trị rủi ro tín dụng tốt hơn, đưa ra dấu hiệu cảnh báo sớm. Điều này đồng nghĩa với việc kiên quyết, sâu sát trong việc phát hiện và xử lý nợ xấu”, bà Dương nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục