Theo thông tin mới nhất từ Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong số 6 dự án kinh doanh thua lỗ trước đây, đến nay đã có 2 dự án có lãi là dự án Nhà máy Phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và dự án Nhà máy Thép Việt - Trung (gồm 2 dự án nhỏ là dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai).
4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định là Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Pân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty DQS.
3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh gồm dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ, hiện đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại là Nhà máy Xơ sợi polyester Ðình Vũ.
Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng dở dang gồm dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy Bột giấy Phương Nam, ngoài dự án thứ 3 đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, 2 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến thoái vốn nhà nước, tìm tiếm nhà đầu tư chiến lược, cũng như đầu tư hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng.
Đánh giá về tiến độ xử lý, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, việc xử lý 12 dự án thua lỗ đang đi đúng kế hoạch, phương án mà Ban Chỉ đạo đưa ra.
Đến nay, toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.
Mặc dù vậy, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn do Chính phủ quyết định xử lý theo cơ chế thị trường.
Liên quan tới việc xử lý theo hướng bán cho tư nhân các dự án gặp vướng mắc về pháp lý như Đạm Ninh Bình, Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Tiến cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm, song quan trọng là phải tìm được nhà đầu tư phù hợp, đồng thời tính đúng, tính đủ chi phí bỏ ra và bán công khai, chứ không bán theo chỉ định.
Đối với kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí (PVN) là được dùng vốn của Tập đoàn để thúc đẩy việc xử lý yếu kém ở dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và PVTEX, ông Tiến lưu ý, việc tăng vốn, bổ sung nguồn lực phải đảm bảo phù hợp, đúng quy định pháp luật, sử dụng đúng mục đích theo phương án xử lý đã được phê duyệt.
“Cần phải quản lý được rủi ro, cũng như đánh giá được hiệu quả sau khi bỏ thêm vốn vào nhà máy này. Nếu tính toán chưa cẩn thận thì không nên. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp, thứ hai là cơ quan chủ sở hữu, thứ ba là các bộ, ngành có liên quan”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, Bộ Tài chính đang yêu cầu Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) và PVN báo cáo rõ, đánh giá lại toàn bộ các dự án trên về hiệu quả, khả năng hòa vốn và có đầu ra hay không. Ông Tiến cho biết, đây là vấn đề các tập đoàn còn đang lúng túng, bởi nếu tính đúng, tính đủ thì có thể sẽ phát sinh thêm không ít vấn đề.
“Quan điểm của Bộ Tài chính là nếu có phương án hiệu quả và các cơ quan, ban, ngành kiểm soát được hiệu quả đó thì không có lí do gì mà không đầu tư. Nhưng nếu không hiệu quả thì phải cân nhắc”, ông Tiến nói.
Trước tiên, cần phải giải quyết triệt để các vướng mắc về pháp lý
Ông Phùng Văn Hùng ,Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Cả 12 dự án này đều không thuộc chủ trương của Nhà nước phải nắm giữ vốn và đang gặp vướng mắc pháp lý với tổng thầu EPC. Do đó, cần phải giải quyết triệt để vướng mắc này trước khi tiến hành các giải pháp tiếp theo, trong đó có cổ phần hoá hay bán doanh nghiệp.
Khi đó, chúng ta mới thu hút được các nhà đầu tư nhân có tiềm năng để vực dậy các doanh nghiệp này.
Cả 12 dự án đều cần thiết cho nền kinh tế, nên cần khôi phục lại
Ông Lưu Bích Hồ , Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
Đối với giải pháp bán doanh nghiệp, nên bán cho tư nhân, nếu bán cho tư nhân nước ngoài thì phải tính toán tới lợi ích quốc gia. Song, điều quan trọng là bán cho ai cũng phải rõ ràng, minh bạch. Về tổng thể, cả 12 dự án đều cần thiết cho nền kinh tế, nên cần cố gắng khôi phục lại.
Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nói chung của các doanh nghiệp nhà nước là 4,4 lần. Nếu nâng lên được 1% thì có thể tăng 0,7% lợi nhuận trên vốn.
Có thể dùng vốn của PVN để xử lý những dự án yếu kém của tập đoàn này, nhưng vẫn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Bộ Tài chính, Chính phủ cần làm rõ với Quốc hội các vấn đề pháp lý liên quan.