Bộ Công Thương vừa có báo cáo kết quả hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Ban Cán sự đảng Bộ, phương hướng triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó, điểm nhấn là hiệu quả bước đầu về công tác xử lý 12 dự án yếu kém.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Bộ đã bám sát thực tiễn, kịp thời chỉ đạo cụ thể một số lĩnh vực, giải quyết một số vấn đề nhân dân và xã hội quan tâm và đạt được hiệu quả.
Cụ thể, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 06 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 02 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, gồm: Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.
Trong đó, Dự án nhà máy thép Việt Trung đã lãi 411 tỷ đồng trong năm 2017, 5 tháng đầu năm 2018 lãi khoảng 500 tỷ đồng.
4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, gồm: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS..
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 01 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 02 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
"Các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đảm bảo duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án", Bộ trưởng Trần Tuân Anh cho biết.
Cùng với tái cơ cấu các dự án thua lỗ. đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo Ban Cán sự Đảng đang tập trung dồn lực để thực hiện để thoái vốn, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất.
Theo đó, năm 2016, Bộ Công Thương hoàn thành việc CPH và chuyển 3 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời hoàn thành công tác bán cổ phần lần đầu đối với 2 Tổng công ty (TCT Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam VEAM và TCT Máy và Thiết bị công nghiệp MIE).
Năm 2017, Bộ tiếp tục xây dựng và thực hiện phương án CPH và thoái vốn đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất phức tạp. Điển hình thành công có thể kể đến việc thoái vốn tại Tổng Công ty Sabeco và bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) ...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành Công Thương tiếp tục phải có hành động, thay đổi, có cách tiếp cận mới, không thể theo nếp cũ, máy móc, áp đặt trong quản lý nhà nước.
Nâng cao kỷ luật lao động cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; rà soát các quy định, quy chế đảm bảo công khai minh bạch; cải tiến công tác nhân sự; cải cách chế độ công vụ... nếu không sẽ ngày càng tụt lùi, không đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ tốt doanh nghiệp và người dân.