Xử lý 12 đại dự án thua lỗ: Điểm mặt những thách thức

(ĐTCK) Trong phần trả lời chất vấn Quốc hội của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, nội dung được chú ý nhiều nhất là quyết tâm xử lý những tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là 12 đại dự án thua lỗ. Để thực hiện được điều này, sẽ có nhiều nút thắt cần được giải tỏa.
Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư

Quản trị chặt để thay đổi

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ chủ trương tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp nhà nước khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng dự án cho các đối tác bên ngoài.

Đối với các dự án phục hồi được, có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm cá nhân/tập thể, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự rà soát, phát hiện và báo cáo để Chính phủ tiếp tục có giải pháp xử lý với các dự án “đắp chăn, đắp chiếu”.

Vết xe đổ của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí phải oằn mình trả nợ thay cho các công ty con tới hàng trăm tỷ đồng đang lặp lại với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Về cơ bản, theo Phó thủ tướng, giải pháp căn cơ là không để tồn tại những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Theo đó, trách nhiệm của các ngành, các cấp là chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế, tái cơ cấu các ngành nghề; tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, cũng như nhiều chỉ đạo về phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.

Quyết tâm của Chính phủ và những động thái được triển khai gần đây tạo ra kỳ vọng lớn về việc sớm có đường ra cho các đại dự án thua lỗ. Song nhìn vào mớ “bùng nhùng” trong cơ chế quản trị của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, có thể thấy việc xử lý là hành trình vô cùng gian nan.

Quản trị tài chính lỏng lẻo

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ tại các dự án kể trên nói riêng và trong hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp nhà nước nói chung là tình trạng cho vay lại, bảo lãnh tràn lan cho các công ty “con cháu”, vay vốn của các tập đoàn, tổng công ty.

Nếu trước đây, câu chuyện Tổng công ty Xây lắp Dầu khí - CTCP (PVC) phải oằn mình trả nợ thay cho các công ty con tới hàng trăm tỷ đồng đã từng gây ồn ào trên thị trường, thì hiện tại, vết xe đổ nói trên đang lặp lại với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Các khoản nợ đến hạn phải trả do đứng ra cho vay hoặc tín chấp, vay hộ các công ty con của Công ty mẹ Vinachem đang trở thành cơn ác mộng mới nhất trong năm 2017.

Ví dụ, tập đoàn này đã đầu tư vào Dự án Đạm Ninh Bình 2.313 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn 1.749 tỷ đồng, dài hạn 7.167 tỷ đồng; cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hóa chất và muối mỏ Việt Lào vay lại từ khoản vay Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam hạn mức 30 triệu USD, đảm bảo bằng tín chấp; cho vay lại từ khoản vay Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam hạn mức 50 triệu USD, cũng đảm bảo bằng tín chấp…

Cuối năm 2016, tập đoàn này phải trả thay khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn kỳ tháng 12/2016 cho Ngân hàng Công thương Việt Nam 148 tỷ đồng; trả nợ gốc và lãi vay đến hạn cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 175 tỷ đồng và 118.000 USD…

Riêng năm 2017, các khoản cho vay đến hạn thanh toán của các hợp đồng bảo lãnh cho Dự án Đạm Ninh Bình lên tới 1.253 tỷ đồng. Chưa hết, khoản vay tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (vay lại từ Eximbank Trung Quốc) với hạn mức vay là 250 triệu USD, sẽ đến hạn trả trong năm 2017 là 25 triệu USD.

Gánh nặng lãi mẹ đẻ lãi con khiến chi phí tài chính năm 2015 của Vinachem là 1.174 tỷ đồng, năm 2016 vọt lên tới 2.931 tỷ đồng. Hệ quả là năm 2016, Vinachem lỗ 650 tỷ đồng, quý I/2017, báo cáo của Cục Tài chính Doanh nghiệp cho thấy, Tập đoàn này tiếp tục lỗ lớn.

Cung cách xin ý kiến gây lãng phí

Sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rút 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, như một động thái tuyên bố chính thức của Chính phủ về việc không tiếp tục rót vốn cho dự án giai đoạn 2, ngày 29/6 tới, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường.

Trước thềm đại hội, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn, với việc gia tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư tư nhân như Tập đoàn Thái Hưng (hiện Tập đoàn này đã hoàn tất thâu tóm Công ty cổ phần Thép Việt Ý). Tại đại hội lần này, Tisco sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu với quy mô 2.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động thêm lớn như vậy dùng để làm gì? Một nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, để tiếp tục triển khai Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Nhà nước đang rút dần vốn khỏi Tisco, đồng nghĩa với việc mở đường cho tư nhân tham gia sâu hơn vào doanh nghiệp, tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào một đại dự án dang dở.

Tuy nhiên, theo lời một thành viên tham gia tái cơ cấu dự án này, cơ chế quản trị xin ý kiến và ra quyết định tập thể đang gây ra lãng phí ghê gớm và chính là một trong những nguyên nhân gây ra thua lỗ lớn ở dự án này.

Cụ thể, chủ đầu tư đã đề xuất phương án nhà nước thoái vốn và chuyển nhượng dự án từ năm ngoái lên các cơ quan quản lý. Song từ đó đến nay, số phận của dự án vẫn chưa được quyết định dứt khoát. Mỗi ngày, chỉ riêng tiền lãi vay, doanh nghiệp phải trả 2 tỷ đồng. “Nhân lên số ngày cho một năm, số tiền sẽ là bao nhiêu?”, vị cán bộ trăn trở.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục