Xu hướng “Việt Nam+1” của nhà đầu tư Nhật Bản

Khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), mở rộng sản xuất dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Ảnh Internet

Mở rộng sản xuất

Mới đây, cụm từ “Việt Nam + 1” đã được ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM nhắc đến khi đề cập chuyện các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. “Đây là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án sản xuất tại Việt Nam”, ông Hirai Shinji nói.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp Nhật Bản có nhà máy tại Khu chế xuất Linh Trung và Tân Thuận đã đến Văn phòng Jetro TP.HCM để tìm hiểu thông tin về việc mở rộng sản xuất ở một số tỉnh, thành phố khác ở phía Nam. Hay một số công ty như Towa và Furukawa đã có nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương… đang tìm hiểu về thành công của Acecook khi đầu tư ở Vĩnh Long để khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh này.

Theo ông Hirai Shinji, trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ “Việt Nam + 1” vào các ấn phẩm chính thức.

Đại diện của Jetro cũng nhắc lại chuyện 15 doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ nước này lựa chọn hỗ trợ vốn cho Chương trình “Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài” đều đang hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất hoặc đầu tư nhà máy mới.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tìm cách tăng đầu tư, mở rộng sản xuất các dự án hiện hữu tại nhiều địa phương phía Nam. Đơn cử tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã tăng vốn trên 87 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tăng gần 8 triệu USD, Công ty TNHH Oto Vina tăng 10 triệu USD... Theo tổng hợp, có gần 30 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào địa phương này, với tổng vốn đăng ký hơn 300 triệu USD, chủ yếu là dự án tăng vốn.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Đồng Nai với 420 dự án, trong đó có 370 dự án sản xuất tại các khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD. Các doanh nghiệp nước này đã hiểu khá rõ môi trường, chính sách ưu đãi của tỉnh, nên không khó để đưa ra quyết định rót thêm vốn đầu tư.

Tăng hoạt động M&A

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc Khối xuyên biên giới, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Recof Việt Nam nhìn nhận, khu vực Đông Nam Á là điểm đến đầy hứa hẹn cho các thương vụ M&A và Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn nhất.

Theo tổng hợp, trong 9 tháng đầu năm nay, giữa Nhật Bản và Việt Nam đã có 19 giao dịch M&A được công bố. Trong đó, đáng chú ý là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

“Nhiều giao dịch vẫn bị hạn chế do ảnh hưởng của Covid-19 và chúng tôi kỳ vọng, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh vào năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm nay”, đại diện Recof nhận định.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian gần đây cũng tích cực trong các hoạt động M&A. Một số thương vụ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay như SK Investment III (công ty con của SK Group) đã nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại Công ty VinaPolytech; gần đây nhất, GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)…

Theo các chuyên gia, hoạt động M&A ở Việt Nam có triển vọng sáng sủa trong năm tới, khi nhà đầu tư nước ngoài tìm đến doanh nghiệp trong nước để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo vẫn là đối tác chính của hoạt động này.

Sơn Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục