Xu hướng tất yếu

(DDTCK-online) Lần đầu tiên, Hội nghị thường niên Hiệp hội Các trung tâm lưu ký chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ACG) được tổ chức tại Việt Nam do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chủ trì. Sự kiện này đánh dấu sự hội nhập ngày càng sâu rộng của TTCK Việt Nam nói chung, hoạt động lưu ký chứng khoán nói riêng vào TTCK thế giới. Sau 2 ngày làm việc, đại biểu đến từ các nước đã mang đến những thông tin và kinh nghiệm quý trong hoạt động, đồng thời có sự hiểu biết đáng kể về TTCK Việt Nam.
Lễ chuyển giao chức Tổng thư ký ACG giữa ông Benjamin Foo, Phó chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam Lễ chuyển giao chức Tổng thư ký ACG giữa ông Benjamin Foo, Phó chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

Kết nối - xu hướng tất yếu

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sự thành công của bất kỳ thị trường tài chính nào cũng cần dựa trên sự vận hành hiệu quả và an toàn của hệ thống bù trừ và thanh toán, bởi đây là yếu tố hạ tầng nền tảng của thị trường, đồng thời là phương tiện để cơ quan quản lý, cơ quan tổ chức thị trường quản lý rủi ro thanh toán, thực thi các chính sách tài chính - tiền tệ, đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống tài chính. Sự chi phối mạnh mẽ của các nhân tố như sự hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế quốc tế, xu hướng gia tăng đầu tư dẫn đến sự luân chuyển vốn ngày càng tăng giữa các thị trường đã xóa mờ cách trở về vị trí địa lý. Điều này tạo ra cơ hội mở rộng hợp tác, nhưng cũng tạo ra thách thức đối với hệ thống lưu ký và thanh toán trong việc thực thi sứ mệnh đảm bảo sự vận hành an toàn, thông suốt của hệ thống tài chính, vì mức độ hội nhập càng sâu thì khả năng nền tài chính mỗi nước bị tác động bởi những bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu càng lớn.

Khai mạc Hội nghị thường niên Hiệp hội Các trung tâm lưu ký chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ACG) lần thứ 13 tại Việt Nam

Khai mạc Hội nghị thường niên Hiệp hội Các trung tâm lưu ký chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ACG) lần thứ 13 tại Việt Nam

Bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc VSD cho rằng, sự biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm gần đây đã hình thành các xu thế mới, quyết định đến định hướng phát triển của ngành dịch vụ chứng khoán nói chung và hỗ trợ sau giao dịch nói riêng. Thực tế này đã tạo sức ép đối với việc cải tổ các tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán và lưu ký chứng khoán nhằm hướng tới mục tiêu tăng quy mô và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ đối với không chỉ một thị trường, một quốc gia.

Hội nghị ACG năm nay, ngoài các đại biểu là thành viên Hiệp hội, còn có khách mời là đại diện của các trung tâm lưu ký, các tổ chức quốc tế lớn như: Công ty Ủy thác lưu ký và bù trừ Hoa Kỳ (DTCC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Các cơ quan cấp mã quốc gia (ANNA), Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), Tổ chức nghiên cứu và xếp hạng các trung tâm lưu ký toàn cầu Thomas Murray, Tổ chức kết nối thanh toán và lưu ký châu Âu LinkUpMarket… Với chủ đề "Thúc đẩy kết nối hoạt động xuyên biên giới giữa các thành viên ACG", hội nghị đã đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự sau thời kỳ khủng hoảng: kết nối để hạn chế rủi ro cũng như tăng hiệu quả trong quá trình hỗ trợ giao dịch. Tham luận của các đại biểu đã có những đánh giá đầy đủ hơn đối với tầm quan trọng của vấn đề kết nối, xác định nó như một xu thế tất yếu để cùng xây dựng định hướng, mục tiêu cho mỗi thành viên ACG và toàn khu vực châu Á.

Thay đổi cơ cấu ACG cho phù hợp với tình hình mới

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về cơ cấu tổ chức mới của ACG. Kết quả quan trọng nhất là các thành viên đã thống nhất cao về mô hình hoạt động mới cho ACG. Được thành lập từ năm 1997 đến nay, ACG hoạt động theo cơ cấu: Chủ tịch, Thư ký và các nhóm công tác chuyên trách. Trong đó, vị trí Chủ tịch và Thư ký Hiệp hội sẽ do nước chủ nhà Hội nghị đảm nhiệm trên cơ sở phiếu bầu của toàn thể đại biểu tham dự. Nguyên tắc bầu luân phiên vị trí Chủ tịch và Thư ký Hiệp hội theo nhiệm kỳ hàng năm hiện nay, theo ý kiến của các thành viên ACG, sẽ không đảm bảo cho việc xây dựng định hướng phát triển dài hạn và nhất quán cho ACG, đồng thời hạn chế khả năng mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế chuyên ngành khác do thiếu một cơ quan chuyên trách có sự tham dự của đại diện từ các thành viên Hiệp hội. Bên cạnh đó, với cơ cấu hiện tại, các công việc chính của Hiệp hội cũng như chi phí tổ chức thường đặt nặng lên nước chủ nhà do không có quy định về mức phí tham dự đối với các thành viên.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD cho biết, cơ cấu tổ chức mới mà Hiệp hội hướng tới vẫn giữ những mục tiêu cơ bản, đó là: ACG vẫn là hiệp hội ngành, là tổ chức phi chính phủ, các thành viên tham gia trên cơ sở tự nguyện, hoạt động theo tôn chỉ thúc đẩy trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác giữa các thành viên. Sự thay đổi chỉ nhằm củng cố cơ cấu tổ chức của ACG để nâng cao hiệu quả hoạt động trong tình hình mới. Các thành viên đã nhất trí thành lập Nhóm công tác với 7 thành viên, trong đó có đại diện của VSD, có nhiệm vụ nghiên cứu sâu hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Hiệp hội và dự thảo Điều lệ mới của Hiệp hội trình Hội nghị ACG 14 thông qua. Tại hội nghị lần này, VSD đã chính thức tiếp nhận vai trò thư ký mới của ACG từ Sở GDCK Singapore. Trong vai trò mới, VSD sẽ trực tiếp tham gia điều hành mọi hoạt động của ACG, là đại diện của Hiệp hội trong việc phối hợp, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với các hiệp hội lưu ký tại các khu vực khác như Hiệp hội Trung tâm lưu ký khu vực châu Âu (ECSDA), Hiệp hội Trung tâm lưu ký khu vực châu Mỹ (ACSDA)…

Về kết quả hội nghị, bà Phương Hoàng Lan Hương cho biết, hội nghị đã thành công tốt đẹp, được các đại biểu tham dự đánh giá cao về công tác tổ chức và bố trí chương trình của nước chủ nhà. Thông qua hội nghị, nhiều mô hình liên kết cung cấp dịch vụ giữa các thành viên đã được giới thiệu, các thông lệ tốt về hoạt động dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch tại các thị trường đã được thảo luận và trình bày, qua đó giúp các thành viên tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin lẫn nhau.

Đối với VSD, chỉ mới hơn ba năm đi vào hoạt động và sau một thời gian ngắn chuyển đổi sang mô hình hoạt động theo hình thức công ty TNHH một thành viên, VSD đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực hoạt động của mình, trong đó có lĩnh vực hợp tác quốc tế. Việc tổ chức thành công Hội nghị ACG13, VSD đã nâng cao được vị thế của mình trước các đồng nghiệp quốc tế, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giới thiệu tiềm năng phát triển và quảng bá hình ảnh của TTCK Việt Nam với cộng đồng quốc tế.         

Lê Thành
Lê Thành

Tin cùng chuyên mục