Xu hướng tất yếu!

(ĐTCK) Có rất nhiều lý do giải thích cho diễn biến khá lặng lẽ của thị trường đất nền, biệt thự ven Hà Nội trong khi đất nền gần như cả nước "lên đồng" thời gian qua.
Xu hướng tất yếu!

Trong số đó, trò chuyện với người viết, lãnh đạo một sàn môi giới thuộc loại lớn nhất nhì tại Hà Nội đưa ra kiến giải khá thú vị. Đó là đất nền Hà Nội chưa sốt vì giới đầu tư chờ đợi một lượng lớn sản phẩm, cũng như những tác động tâm lý từ các siêu dự án ở ven Hà Nội sắp được “trình làng”…

Nhận định này đúng sai thế nào còn tùy thuộc vào góc nhìn từng người, nhưng có một thực tế là, các đại dự án đó đã và đang thực sự thành hình. 

350.000 tỷ đồng trong tổng số gần 400.000 tỷ đồng vốn cam kết đầu tư thuộc về dự án bất động sản. Đó là con số tổng mức đầu tư được UBND TP. Hà Nội cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra ngày 17/6 vừa qua.

Không chỉ có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, các dự án được định hướng một cách rõ ràng để trở thành những siêu đô thị vệ tinh phức hợp hiện đại ở ba phía Bắc, Đông, Tây của Thủ đô Hà Nội. Có thể kể đến Khu đô thị Thành phố thông minh có tổng vốn đầu tư lên tới 94.349 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm có vốn 80.000 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm có số vốn 87.385 tỷ đồng.

Toàn những dự án nhiều tỷ USD và quan trọng hơn, nó thể hiện rất rõ định hướng phát triển ly tâm, giãn ra ngoài vùng lõi của chính quyền TP. Hà Nội.

Sau khi triển khai và hoàn thiện, nhiệm vụ của các siêu đô thị này không chỉ tạo không gian phát triển mới cho các hoạt động kinh tế trên mọi lĩnh vực, mà quan trọng hơn cả là nhằm mục đích giãn dân số, giảm tải áp lực về hạ tầng đang ngày một lớn cho "vùng lõi" (các quận nội thành).

Trên thực tế, kế hoạch xây dựng các siêu đô thị vệ tinh này đã được nghiên cứu từ cả chục năm trước và từ năm 2008, UBND Thành phố cũng đã trình Chính phủ chấp thuận chủ trương cho việc mở rộng ranh giới địa chính. Đồng thời, phát triển 5 đô thị vệ tinh, làm động lực cho liên kết vùng Thủ đô trong bối cảnh thành phố mẹ đang lâm vào tình trạng quá tải.

Tính đến tháng 10/2017, dân số Hà Nội là khoảng 7,65 triệu người, dự báo tăng gấp đôi đến năm 2050. Dân số tăng nhanh, cầu về nhà ở cũng tăng theo, làm cho đô thị Hà Nội và TP.HCM phát triển “ nóng”, nhất là ở “vùng lõi”.

Các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng cho thuê mọc lên ở nhiều tuyến phố huyết mạch thuộc “vùng lõi” làm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, vốn đã quá tải càng quá tải hơn. Tắc đường, kẹt xe, thiếu trường học, bệnh viện, khu vui chơi, ô nhiễm không khí... nói mãi thành quen!

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, chủ yếu là cơ chế kêu gọi nguồn lực không thực sự rõ ràng, Hà Nội không thể tự lực vừa mở rộng thành phố mẹ, vừa phát triển đô thị vệ tinh, nên gây khó khăn cho khai thác nguồn lực phát triển.

Và cho đến tận bây giờ, sau gần 10 năm, kế hoạch này mới thực sự được triển khai!

Với sự tham gia của những nhà đầu tư lớn, trong đó có các doanh nghiệp nổi tiếng như Vingroup, Vietjet, BRG…, cùng sự nhập cuộc của những nhà đầu tư ngoại như Sumitomo, Lotte…, kế hoạch thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh đứng trước cơ hội lớn được hiện thực hóa.

Đương nhiên, câu chuyện từ việc chấp thuận đến việc hình thành đô thị vệ tinh còn rất nhiều việc phải làm. Từ câu chuyện gắn dự án với hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội cho việc sinh sống, học hành, làm việc của hàng trăm ngàn dân… Đặc biệt, việc phát triển các đô thị vệ tinh phải trong cơ chế phát triển độc lập, tự chủ động để khai thác nguồn lực trong điều kiện cụ thể của nó.

Tuy nhiên, như nhận định của hầu hết chuyên gia, ly tâm là một xu hướng tất yếu của những đại đô thị như Hà Nội. Việc đáng quan tâm nhất của giới đầu tư bây giờ là chờ xem tác động lan tỏa của các siêu dự án này đến thị trường bất động sản sẽ đến mức nào mà thôi!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục