Xu hướng tăng phí tái bảo hiểm là khó tránh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Trịnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe) khi các nghiệp vụ quan trọng như bảo hiểm thân tàu, tài sản, hàng không, năng lượng, trách nhiệm… tiếp tục không thuận lợi, gây thua lỗ cho các nhà tái bảo hiểm trước tác động của dịch bệnh.
Các nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và tài sản tiếp tục không thuận lợi, gây thua lỗ cho nhà tái bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh Các nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và tài sản tiếp tục không thuận lợi, gây thua lỗ cho nhà tái bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công ty tái bảo hiểm hàng đầu trên thế giới như Swiss Re, Munich Re, Hanover Re… gần đây loan báo sẽ tăng phí tái bảo hiểm trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về động thái này?

Đúng là các nhà tái bảo hiểm lớn đều có động thái tăng phí tái bảo hiểm và thực tế là việc tăng giá đã diễn ra ngay từ đầu quý III/2020. Về phần mình, tôi cho rằng, việc phí tái bảo hiểm tăng là dễ hiểu.

Như chúng ta đều biết, dịch Covid 19 đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và các công ty tái bảo hiểm nói riêng. Các nhà tái bảo hiểm đều đánh giá đại dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại nặng nề, tương đương với 2 sự kiện lịch sử của ngành bảo hiểm, đó là việc 3 cơn bão Katrina, Rita và Wilma đổ bộ vào Mỹ năm 2005 và sự kiện 11/9/2011 cũng tại Mỹ.

Theo số liệu mới cập nhật mà tôi có được thì tổng dự phòng bồi thường mà các công ty tái bảo hiểm lớn đã trích lập cho các khiếu nại liên quan đến Covid-19 vào khoảng 23 tỷ USD và con số này sẽ còn tăng lên khi các khiếu nại chưa kết thúc.

Dịch bệnh cũng khiến thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, làm cho nguồn thu nhập từ đầu tư của các công ty tái bảo hiểm giảm sút. Thêm vào đó, các công ty tái bảo hiểm khi đi mua các chương trình tái bảo hiểm bảo vệ cho chính họ cũng bị tăng phí.

Từ thực tế này, có thể khẳng định rằng xu hướng tăng phí trên thị trường tái bảo hiểm quốc tế là khó đảo ngược, các nhà tái bảo hiểm phải tăng giá bán tái bảo hiểm trong tương lai để bù đắp cho những thiệt hại về lợi nhuận nghiệp vụ trong năm 2020.

Như vậy phí tái bảo hiểm cho thị trường Việt Nam mà các nhà tái bảo hiểm sẽ áp cho thời gian tới sẽ tăng bao nhiêu và nghiệp vụ nào sẽ bị tăng nhiều nhất?

Như tôi đã nêu ở trên, việc tăng phí tái bảo hiểm trên thị trường quốc tế là khó tránh, nhưng tăng bao nhiêu thì còn tùy vào từng chương trình tái bảo hiểm của từng công ty.

Về mức độ tăng, hiện cũng là hơi sớm để đưa ra con số cụ thể, nhưng theo quan điểm của tôi thì mức tăng sẽ không dưới 2 chữ số, thậm chí các chương trình tái bảo hiểm không có tổn thất cũng bị áp tăng phí.

Ảnh tác giả

Mức độ tăng sẽ không dưới 2 chữ số, thậm chí các chương trình tái bảo hiểm không có tổn thất cũng bị áp tăng phí

Ông Trịnh Anh Tuấn

Thật khó để các công ty bảo hiểm và khách hàng của họ chấp nhận việc tăng phí cho một chương trình bảo hiểm không có tổn thất. Nhưng đây là thực tế đã và đang diễn ra thời gian gần đây.

Đối với thị trường Việt Nam, các nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và tài sản tiếp tục không thuận lợi, gây thua lỗ cho các nhà tái bảo hiểm, tương tự là các nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, năng lượng, trách nhiệm…, nên việc tăng phí cũng là bất khả kháng.

Tất nhiên, sẽ không có công thức chung cho mức phí tăng. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm của từng chương trình, từng nghiệp vụ và từng công ty bảo hiểm.

Bên cạnh việc tăng phí, các nhà tái bảo hiểm cũng sẽ thắt chặt phạm vi bảo hiểm, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Hiện nay, đa phần công ty tái bảo hiểm tuyên bố sẽ loại trừ hoàn toàn việc bảo hiểm gián đoạn kinh doanh do dịch bệnh. Đây cũng là một điều khó giải thích với các công ty bảo hiểm khi phải tái tục với các khách hàng đang được bảo hiểm miễn phí theo phạm vi này .

Theo ông, trong trường hợp tăng thì mặt bằng phí tái mới sẽ duy trì trong bao lâu? Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải thay đổi như nào để thích nghi với điều này?

Các công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới đều chung nhận định xu hướng tăng phí sẽ kéo dài tối thiểu đến hết năm 2022 trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, tôi cho rằng thời gian sẽ ngắn hơn, có thể chỉ tới hết năm 2021.

Lý do là thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực nên sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà tái bảo hiểm mới trong thời gian tới.

Để thích nghi với “bình thường mới”, các công ty bảo hiểm Việt Nam cần có chính sách quản lý rủi ro tốt hơn cho danh mục khai thác bảo hiểm của mình, có như vậy thì mới mang lại một vị thế tốt trong việc đàm phán với đối tác tái bảo hiểm vào thời điểm này sang năm.

Bên cạnh nâng cao chất lượng quản lý khai thác, việc truyền thông và giải quyết bồi thường hiệu quả hơn cũng là điều cần thiết để khách hàng cảm thông và tiếp tục đồng hành, cũng là cách để các công ty bảo hiểm chứng tỏ giá trị với khách hàng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Trên thực tế, nhiều khách hàng đã quan tâm hơn đến công tác giải quyết khiếu nại, thay vì tập trung đàm phán giá với công ty bảo hiểm.

Đồng thời, các công ty bảo hiểm cũng cần quan tâm hơn đến chất lượng hoạt động, mức độ cam kết và sự ổn định của các công ty tái bảo hiểm. Việc một loạt nhà tái bảo hiểm lớn và quen thuộc như ACR, Trust Re, Partner Re… vừa dừng cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam do chính sách mua bán - sáp nhập thời gian gần đây gây nhiều khó khăn cho các công ty bảo hiểm trong nước.

Cuối cùng, dịch bệnh cũng tạo ra nhiều nhu cầu mới của khách hàng. Nếu các công ty bảo hiểm nắm bắt và đáp ứng tốt các nhu cầu này sẽ tạo cơ hội để triển khai các sản phẩm mới, các kênh phân phối mới, từ đó cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Với PVIRe, yếu tố dịch bệnh có làm thay đổi các kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho năm 2020?

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới toàn bộ nền kinh tế nói chung, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm nói riêng. Là doanh nghiệp tái bảo hiểm hoạt động trên cả thị trường Việt Nam và quốc tế, PVIRe cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với chính sách quản trị rủi ro chặt chẽ nên PVIRe cũng hạn chế được đáng kể sự tiêu cực, bên cạnh tranh thủ tận dụng thời cơ kinh doanh mới. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh doanh đề ra cho năm 2020 nhiều khả năng vẫn sẽ được đảm bảo.

Bên cạnh đó, PVIRe cũng sẽ giữ kế hoạch niêm yết cổ phiểu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm nay như đã đề ra từ đầu năm.

Ngọc Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục