Sự thắt chặt chính sách tiền tệ trên quy mô lớn bắt đầu vào mùa xuân năm 2021, khi một số ngân hàng trung ương ở Mỹ Latinh và Trung Âu bắt đầu tăng lãi suất để xoa dịu đồng tiền đang dao động và kiềm chế lạm phát.
Vào cuối năm nay, một số quốc gia giàu có như Na Uy và Hàn Quốc đã tham gia bằng các động thái can thiệp này. Trong năm nay, gần như mọi nền kinh tế lớn tốc độ tăng trưởng đều giảm. Trong 5 thập kỷ qua, chính sách tiền tệ chưa bao giờ nghiêng hẳn về việc tăng lãi suất.
Khi tốc độ thắt chặt chính sách ngày càng gia tăng, ngày càng có nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng việc hoạch định chính sách nhanh chóng và đồng bộ nhưng phần lớn là không có sự phối hợp có thể gây ra rắc rối hơn bao giờ hết.
Cựu nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Maurice Obsfeld gần đây đã lập luận rằng, việc các ngân hàng trung ương không xem xét các tác động toàn cầu của các chính sách có thể khiến nền kinh tế thế giới có nguy cơ suy giảm “lịch sử”. Mặc dù bất kỳ mức tăng lãi suất nhất định nào có thể là chính đáng, nhưng chúng có thể tạo ra tác động lớn hơn dự đoán.
Lạm phát gia tăng là hệ quả của việc quá nhiều tiền chạy theo nguồn cung hàng hóa và dịch vụ bị hạn chế. Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đặt ra mục tiêu làm chậm tăng trưởng bằng cách giảm chi tiêu, nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hóa, chi tiêu lại chảy từ quốc gia này sang nhiều quốc gia khác.
Khi một ngân hàng trung ương cố gắng cắt giảm nhu cầu, điều đó cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa ở nước ngoài và điều này có tác dụng giúp các ngân hàng trung ương khác quản lý vấn đề lạm phát của họ. Nhưng nếu những tác động lan tỏa như vậy không được tính đến, nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại nhiều hơn mức mà các ngân hàng trung ương đã nhắm đến.
Các dòng chảy tài chính cũng hoạt động song song với quá trình này. Việc tăng lãi suất ở một quốc gia có thể thu hút tiền từ các nhà đầu tư ở nơi khác và khiến đồng tiền ở quốc gia này mạnh lên. Điều này đồng nghĩa với việc giảm chi phí nhập khẩu và có thể giúp hạ nhiệt lạm phát trong nước. Nhưng các nền kinh tế khác sau đó phải đối mặt với hóa đơn nhập khẩu cao hơn, càng làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát tại nước sở tại.
Do đó, việc thắt chặt chính sách không phối hợp có thể trở thành một loại chiến tranh tiền tệ, trong đó mỗi quốc gia nỗ lực để chuyển gánh nặng lạm phát sang nơi khác, với kết quả sẽ là thực hiện thắt chặt quá nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề phối hợp lớn nhất trên thế giới có thể xoay quanh một ngân hàng trung ương thống trị duy nhất là Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trong khi đó, sự ảnh hưởng quá lớn của đồng đô la trong hệ thống tài chính toàn cầu mang lại cho Fed một vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các chu kỳ tài chính toàn cầu.
Một bài báo gần đây của nhà kinh tế Maurice Obsfeld và Haonan Zhou thuộc Đại học Princeton lưu ý rằng, thắt chặt tiền tệ ở Mỹ có liên quan chặt chẽ đến việc đồng đô la tăng giá và sự suy giảm trong một số biện pháp kinh tế và tài chính toàn cầu.
Cam kết của Fed trong việc đưa lạm phát Mỹ trở lại 2% khiến họ có rất ít dư địa để đáp ứng các nền kinh tế khác. Fed có thể hoan nghênh việc tăng lãi suất ở những nơi khác như một đóng góp hữu ích cho cuộc chiến lạm phát của Mỹ, ngay cả khi các quốc gia bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái như quân cờ domino.
Thế giới đã trở nên hội nhập hơn nhiều về mặt tài chính kể từ năm 1971, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là ông John Connally nói với đại diện của các nền kinh tế lớn khác trên thế giới rằng “đồng đô la là tiền tệ của chúng tôi, nhưng đó là vấn đề của bạn”. Khi lãi suất trên toàn thế giới tăng lên mà không có sự phối hợp, xác suất mà bất kỳ nền kinh tế nào không phải chịu tổn hại sẽ giảm xuống thấp hơn bao giờ hết.