Xu hướng tăng giá dài hạn bị thử thách

(ĐTCK-online) Những tháng gần đây, TTCK sụt giảm mạnh còn có một nguyên nhân trực tiếp là những bất ổn của kinh tế vĩ mô. TTCK bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm khi những kỳ vọng của nhà đầu tư về một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định đã không còn được như mong đợi. Những thông tin xấu liên tiếp về tình hình lạm phát của Việt Nam và thế giới, khó khăn của hệ thống ngân hàng, tình trạng nhập siêu liên tiếp tăng cao, sự suy thoái của thị trường bất động sản…
Xu hướng tăng giá dài hạn bị thử thách

Nguy cơ lạm phát cao khi tốc độ tăng giá dầu và các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới vẫn chưa bị chặn lại đã tạo ra áp lực lớn đẩy TTCK liên tục đi xuống. Những khó khăn và nguy cơ của nền kinh tế đã bao trùm lên TTCK một bầu không khí ảm đạm, khiến tâm lý thị trường hoang mang và vô hướng. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, thị trường không có lấy một phiên tăng điểm, khi các con số kinh tế vĩ mô thể hiện tình trạng xấu.

Trong quá trình thị trường sụt giảm, sự thiếu chuyên nghiệp của các đối tượng tham gia, từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp phát hành, niêm yết, đến nhà đầu tư đã đẩy các nhà đầu tư vào những đợt bán tháo liên tiếp trong những tháng vừa qua. Nhà đầu tư gần như mất niền tin hoàn toàn vào thị trường và thể hiện tâm lý "đám đông" khá rõ. Thị trường bị chi phối quá nhiều bởi yếu tố tâm lý, bằng chứng là trong giai đoạn vừa qua, gần như không có sự giằng co trong phiên, mà nhà đầu tư mua bán hoàn toàn theo bên đang chiếm ưu thế trên thị trường. Đã không ít lần thị trường có sự điều chỉnh tăng, nhưng trước áp lực bán tháo kết hợp với tâm lý không vững vàng của nhà đầu tư, sức cầu nhanh chóng bị triệt tiêu.

Thị trường đã sụt giảm thái quá, bất chấp những chỉ số tài chính đã về đến mức mà nhiều chuyên gia cho rằng, đây là "cơ hội vàng". Rất nhiều nhà đầu tư đánh giá được cơ hội này, nhưng vì nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn khiến họ chưa đủ tự tin để tham gia. Sự chờ đợi này khiến TTCK trong trạng thái rất nhạy cảm với các chuyển biến của nền kinh tế. Trong nửa cuối tháng 6/2008, những tín hiệu tốt hơn của nền kinh tế đã được các nhà đầu tư đón đầu. Mặc dù thời điểm đó chưa có thông tin tích cực chính thức được công bố, nhưng TTCK đã chứng kiến những phiên hồi phục khá mạnh và vững vàng.

Hiện nay, các vấn đề nóng của nền kinh tế đã phần nào giảm nhiệt. Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế tháng 6 đã có những chuyển biến tích cực hơn. Các bất ổn kinh tế không còn gây hoảng loạn cho dân chúng và giới đầu tư như trước do những nỗ lực đồng bộ của Chính phủ dần có tác dụng. Chính phủ công bố công khai tình hình thực tế của đất nước đã giải tỏa được sự bất an về những nguy cơ của nền kinh tế, các nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn trong việc nắm giữ và mua vào chứng khoán. Sau 2 lần VN-Index chạm ngưỡng 365 điểm, HASTC-Index chạm ngưỡng 107 điểm vào các phiên giao dịch ngày 11/6 và 20/6, thị trường liên tục tăng điểm với sự dẫn dắt của nhóm các cổ phiếu blue-chip. Khối lượng giao dịch được cải thiện đáng kể và duy trì tương đối ổn định. Điểm khác biệt lớn của đợt hồi phục lần này so với những lần hồi phục bất thành trước đây chính là những phiên điều chỉnh đã xuất hiện trong xu thế đi lên, làm cho xu hướng tăng điểm trở nên vững chắc hơn, không còn hiện tượng lượng cầu áp đảo và dư bán trắng bảng liên tục diễn ra.

Sau bốn phiên tăng điểm, thị trường có ba phiên giảm liên tiếp, nhưng khối lượng giao dịch trong ba phiên này khá lớn (các phiên từ ngày 12 đến 20/6). Trong ba phiên giảm điểm ngày 18,19 và 20/6 có sự giằng co rõ ràng, khối lượng giao dịch đạt mức trung bình, điều này chứng tỏ nhà đầu tư đã quyết tâm mua vào. Nhóm nhà đầu tư lạc quan này, đầu tiên phải kể đến là khối nhà đầu tư nước ngoài. Khối nước ngoài mua vào ở thời điểm giá cổ phiếu vẫn đang "nóng" hồi đầu năm 2007 và hiện vẫn mua vào nhiều hơn bán ra. Điều này chỉ có thể giải thích bằng việc họ rất kỳ vọng vào tương lai của nền kinh tế và TTCK Việt Nam . Có thể hiểu thêm về sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài nếu nhìn sang tốc độ gia tăng của luồng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam những tháng đầu năm nay. Một trong những nhân tố kích thích TTCK trong những phiên đảo chiều đầu tiên đó là nhà đầu tư với tâm lý bắt đáy "bottom-fishing". Với tâm lý bắt đáy, nhóm nhà đầu tư này hoạt động khá sôi nổi trong những phiên đảo chiều và kích thích được thị trường tăng điểm. Nhưng đây cũng chính là nhân tố làm thị trường khó trụ vững sau vài phiên nỗ lực phục hồi. Trong khi khối nhà đầu tư nước ngoài thường có những giao dịch ngược chiều (mua lúc thị trường xuống và bán khi thị trường lên) thì nhà đầu tư "lướt sóng" sẽ bán tháo vào thời điểm T+, khiến thị trường không thể duy trì nổi sức tăng và quay đầu. Nhưng lần này, niềm tin vào thị trường dường như đã quay lại với các nhà đầu tư. Những phiên tiếp theo vẫn tiếp tục duy trì khối lượng giao dịch khá lớn và đều đặn so với những phiên trước đây, ngay cả với những phiên gọi là T+ (đối với những nhà đầu tư lướt sóng). Trong các phiên giao dịch gần đây có sự giằng co, nhưng càng về cuối phiên thì bên mua càng chiếm được ưu thế, khiến thị trường tiếp tục tăng điểm. Đáng chú ý là, quan sát các phiên giao dịch gần đây, áp lực giải chấp phần nào được cải thiện khi những mã cổ phiếu có khối lượng giải chấp lớn đã không duy trì khối lượng bán tháo. Thay vào đó là các mã mang tính dẫn dắt thị trường như SSI, STB, DPM… liên tục tăng trần, dẫn dắt thị trường đi lên.

Tuy nhiên, trong tháng 7 này, TTCK sẽ đón nhận kết quả hoạt động kinh doanh quý II của những doanh nghiệp niêm yết. Sau khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II, thực lực của từng doanh nghiệp sẽ được phản ánh tương đối rõ, lúc đó thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các mã cổ phiếu.

TTCK là thị trường của niềm tin và đây là giai đoạn thử thách tâm lý các nhà đầu tư. Trong điều kiện những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là lo ngại về lạm phát tiếp tục bùng phát do khả năng kiểm soát tăng giá xăng dầu, điện nước và các mặt hàng thiết yếu khác vẫn còn là một ẩn số, nhất là trong bối cảnh tốc độ lan rộng của lạm phát trên thế giới đối với cả những nền kinh tế đầu tàu, kết hợp với "bão" giá xăng dầu không ngừng tăng trên thị trường thế giới, đã đe dọa đến nền kinh tế trong nước. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng gia nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và chịu ảnh hưởng ngày càng mạnh. Ngoài ra, nền kinh tế có tính chu kỳ, sau một thời gian tăng trưởng mạnh thì sẽ đến giai đoạn điều chỉnh và hoàn thiện trong tiến trình phát triển.

Hiện nay, sau những năm tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng về chất lượng chưa được quan tâm đúng mức thì đang xuất hiện những khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường. Khi nền kinh tế vĩ mô có những biến động tiêu cực sẽ gây ra biến động mạnh trên TTCK. Trong trường hợp giá cả thị trường thế giới tiếp tục leo thang và lạm phát trong nước tiếp tục bùng phát thì khả năng TTCK tiếp tục quay đầu đi xuống là rất lớn. Với tình hình như hiện nay, thị trường đang dựa trên những cơ sở thiếu vững chắc, vì thế lần hồi phục này khó thể kéo dài.

Trên phương diện phân tích kỹ thuật (xem đồ thị), đường chỉ số VN-Index đã thoát khỏi dòng kênh giảm giá (điểm 1), được tạo thành từ hai đường thẳng song song, bó hẹp khoảng không gian đường chỉ số VN-Index dao động ở giữa, từ tháng 11/2007 sau những phiên hồi phục vừa qua.

Sau bốn phiên hồi phục, thị trường đã điều chỉnh giảm điểm trở lại, nhưng ngưỡng hỗ trợ 365 điểm đã thành công khi đường chỉ số VN-Index dội ngược lại khi đi xuống. Mặc dù lần chạm thứ hai trước ngưỡng 365 điểm so với lần trước quá ngắn, không có thời gian tích lũy, nhưng đây cũng là tín hiệu hỗ trợ khá tốt cho lần hồi phục này. Dải Bollinger Band đang bó hẹp, thể hiện thị trường đang điều chỉnh vào vùng tích lũy và xu hướng kết thúc đợt giảm giá mạnh vừa qua. Tiếp theo đó, đường chỉ số VN-Index đã phân kỳ dương với đường trung bình MA(20) của dải Bollinger Band và vượt qua đường bao trên của dải (điểm 2), chỉ báo đường này đang thiết lập xu hướng tăng giá. Mặc dù vậy, đường MACD vẫn chưa phân kỳ dương với đường zero (giá trị 0) nên chưa thể khẳng định xu hướng tăng giá (Bull Market) của thị trường.

Phòng Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội
Phòng Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội

Tin cùng chuyên mục