Xu hướng tăng của thị trường tài chính châu Á là không chắc chắn trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ vẫn cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giữa một đà hồi phục chung ở phần lớn các thị trường tài chính châu Á với kỳ vọng về sự thay đổi quan điểm sang ôn hòa từ Fed, một số chiến lược gia cảnh báo rằng phản ứng của thị trường có thể là quá mức.
Xu hướng tăng của thị trường tài chính châu Á là không chắc chắn trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ vẫn cao

Trái phiếu và tiền tệ châu Á đã tăng vọt vào ngày thứ Sáu (11/11) trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát ở Mỹ đã giảm tốc. Đồng won và đồng baht dẫn đầu mức tăng với cả hai đồng tiền này đều tăng giá hơn 2% so với đồng đô la.

Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã tăng tới 5,1% vào thứ Sáu (11/11), đây là mức tăng đầu tiên trong một tuần kể từ tháng 8 và là mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ tháng 3/2020.

Thị trường có thể thất vọng vì Fed không thể tạm dừng xu hướng tăng lãi suất do lạm phát vẫn tăng. Các tài sản trên thị trường mới nổi đã tăng giá từ cuối tháng 7 khi các nhà đầu tư kỳ vọng sai về đường hướng ôn hòa của Fed và sau đó thị trường sụt giảm trở lại sau những bình luận diều hâu từ các thành viên Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và từ Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole.

Trái phiếu nội địa của các nền kinh tế mới nổi châu Á đã giảm 1,1% trong trong tháng 8 và tiếp tục giảm hơn 4% vào tháng 9, đây là mức lợi nhuận hàng tháng tồi tệ nhất được ghi nhận trong dữ liệu từ năm 2008.

Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược của Mizuho Bank Ltd. ở Singapore cho biết: “Cảm nhận ban đầu của tôi là nó có vẻ như là một sự phóng đại quá mức do định vị thận trọng. Sự nghi ngờ của tôi là Fed sẽ giữ nguyên cho đến khi công việc được hoàn thành và cho đến nay, mức lãi suất cuối cùng vẫn nhất định tăng cao hơn”.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã rút hơn 43 tỷ USD từ các thị trường mới nổi châu Á trong năm nay.

Lần đầu tiên sau nhiều tháng rút ròng, dòng vốn nước ngoài đã đổ vào thị trường trái phiếu Indonesia và Thái Lan trong tháng 8, nhưng đã bị đảo ngược hoàn toàn khi các nhà đầu tư quốc tế rút ròng vào tháng 9 và tháng 10.

Frances Cheung, chiến lược gia về lãi suất tại Oversea-Chinese Banking Corp. cho biết: “Một ngày sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc có lẽ không đủ để khiến trái phiếu nội địa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.

Sau báo cáo CPI của Mỹ, thị trường đang dự đoán xác suất tăng 75 điểm cơ bản gần như bằng không vào tháng 12, đây sẽ là một bước giảm so với bốn lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp của Fed trong năm nay.

Galvin Chia, chiến lược gia EM FX tại thị trường Natwest ở Singapore cho biết: “Lãi suất chính sách vẫn đang tăng cao hơn ở cả Fed và các ngân hàng trung ương châu Á, vì vậy có thể có giới hạn về mức độ tăng giá của trái phiếu”.

Mặt khác, đối với chứng khoán châu Á, việc Fed ôn hòa hơn và dấu hiệu Trung Quốc mở cửa trở lại đang được xem là hai chất xúc tác quan trọng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục