Xu hướng phát triển tất yếu của cho vay tiêu dùng

(ĐTCK) Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung ứng các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục đích sản xuất, kinh doanh.
Vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 5,2% GDP - Ảnh: Lê Toàn

Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay mua xe, cho vay mua thiết bị gia đình, cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng… Hoạt động cho vay tiêu dùng đã sớm phát triển trong cuộc sống của con người và ngày càng được thúc đẩy bởi các nhu cầu phát triển của xã hội.

Thống kê đã cho thấy, năng lực tài chính của cá nhân thường cũng giống như một chu kỳ kinh tế phát triển theo sơ đồ hình sin, trong đó gần như không có thu nhập trong giai đoạn trước 15 tuổi, mức thu nhập tăng dần trong độ tuổi lao động và giảm dần sau khi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng lại không phát triển song hành với năng lực tài chính, mong muốn sử dụng các hàng hóa, dịch vụ mới thường tăng cao trong giai đoạn trẻ tuổi, trong khi xu hướng tiết kiệm thường thấy ở tuổi trung niên. Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng cũng cho thấy hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.

Thứ nhất, nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng – đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các NHTM truyền thống), và giúp cho các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.

Thứ hai, góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, vì vậy giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Thứ ba, làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi. Thứ tư, cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm tăng cầu hàng hóa, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.  

Tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đạt khoảng 3,2 nghìn tỷ USD tương đương với khoảng 20% GDP (chưa kể các khoản vay thế chấp nhà ở đạt hơn 8 nghìn tỷ USD).

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng cũng đạt tới 14% GDP ở Anh, 8% GDP ở Đức, 7,3% GDP ở Pháp, 7% GDP ở Ý và Tây Ban Nha. Trên toàn thị trường châu Âu, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là 1.061 tỷ Euro, tương đương khoảng 14% tổng doanh số tiêu dùng trong năm của toàn khu vực. Tại các quốc gia đang phát triển, thị trường cho vay tiêu dùng cũng có tốc độ phát triển nhanh chóng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (không kể các khoản cho vay thế chấp nhà ở) ở Malaysia hiện đạt khoảng 24% GDP, tại Trung Quốc hiện đạt 2% GDP nhưng dự báo sẽ tăng lên 9% GDP vào năm 2025. 

Lãi suất cao, tại sao vay tiêu dùng vẫn phát triển?

Sự khác biệt giữa cho vay tiêu dùng với cho vay thương mại trước tiên nằm ở mục đích sử dụng vốn vay. Các khoản cho vay tiêu dùng được sử dụng để mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, do đó không tạo ra doanh thu và lợi nhuận của người vay. Trong khi đó, các khoản vay thương mại là các khoản vốn vay với mục đích cung cấp vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

Đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng là cá nhân trong khi đối tượng khách hàng của các khoản vay thương mại chủ yếu là doanh nghiệp. Quy mô vay tiêu dùng thường nhỏ (phù hợp với giá cả của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng), kỳ hạn khoản vay thường là ngắn hạn và trung hạn. Phần lớn các khoản vay tiêu dùng được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp. Các khoản vay tiêu dùng thường không có tài sản đảm bảo, còn các khoản vay thương mại hầu hết phải có tài sản đảm bảo.

Những điểm khác biệt như vậy tác động đến quá trình hình thành và chi phí hình thành khoản vay, từ đó, làm cho lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại. Chi phí cho một đơn vị dư nợ vay tiêu dùng có thể cao hơn chi phí cho một đơn vị vốn cho vay thương mại 2 đến 5 lần. Rủi ro tín dụng của các khoản vay tiêu dùng cũng cao hơn cho vay thương mại, làm cho chi phí bù rủi ro có thể cao hơn khoảng 7 đến 10 lần (Kết quả nghiên cứu các hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường Mỹ của Paul F.Smith trong giai đoạn 1949 – 1959). 

Trong khi đó, doanh thu thu được từ khoản cho vay tiêu dùng thường nhỏ hơn và bấp bênh hơn so với doanh thu thu được từ khoản cho vay thương mại. Đối với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng chi phí cho các khoản cho vay tiêu dùng còn cao hơn của các NHTM, bởi chi phí đầu vào lớn hơn và  đôi khi cũng có thể bao hàm cả chi phí cho các dịch vụ khác như phí chuyển khoản qua ngân hàng, phí bảo hiểm…

Thống kê về lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tại các nước trên thế giới cho thấy mức lãi suất có thể cao vài chục phần trăm năm, thậm chí vài trăm phần trăm năm, các khoản vay có dư nợ nhỏ, ngắn hạn (payday loan) được cung cấp ở thị trường Anh với mức lãi suất lên tới 500%/năm. Mặt khác, mức lãi suất cho vay tiêu dùng có sự chênh lệch lớn giữa các sản phẩm khác nhau và các khách hàng khác nhau phụ thuộc vào tính chất của sản phẩm cũng như mức độ rủi ro của từng khách hàng.

Mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao, hiện vẫn là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, song không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này, bởi những lợi ích mang lại, đó là đáp ứng được những thỏa mãn cá nhân trong tiêu dùng trước khi có thu nhập có thể mang lại. Lợi ích này chắc chắn lớn hơn mức chênh lệch lãi suất phải trả cao hơn cho vay thương mại.

Tuy nhiên, chính phủ các nước hiện nay đang nỗ lực để có thể quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và đồng thời thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Minh bạch hóa các điều kiện tín dụng, đặc biệt là lãi suất, là giải pháp quan trọng để bảo vệ người đi vay khỏi các sai sót và sự bất công bằng trong việc tính toán lãi vay, đồng thời giúp người đi vay có thể so sánh giữa các khoản vay và đưa ra quyết định hợp lý trên cơ sở có đầy đủ thông tin.

Các quy định khác nhằm bảo vệ người đi vay cũng có thể được đưa ra như: quyền từ bỏ khoản vay - cho phép người đi vay có thể chấm dứt hợp đồng tín dụng mà không phải thực hiện các nghĩa vụ phạt (thông thường trong khoảng thời gian 14 ngày sau khi hợp đồng được kỳ kết); yêu cầu về cho vay có trách nhiệm - đòi hỏi tổ chức tín dụng có trách nhiệm để không cho vay đối với những người đi vay mà không có khả năng trả nợ.

Đồng thời, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cũng đang nỗ lực để tạo ra các kênh hỗ trợ cần thiết, đảm bảo để người đi vay có thể tiếp cận được các cơ quan thanh tra, giám sát khi có khiếu nại về khoản vay. Thực hiện giám sát chặt chẽ đối với các tổ chức cho vay các sản phẩm tín dụng có rủi ro cao, đảm bảo các công ty cho vay tiêu dùng phải có mô hình kinh doanh phù hợp và bền vững, nghiêm cấm các hành vi không công bằng hay lừa đảo, chống rửa tiền và kinh doanh trái phép. 

Câu chuyện Việt Nam

Từ năm 2007 đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2012 và chiếm 5,4% trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, tương đương khoảng 5,2% GDP, và 7% tổng giá trị tiêu dùng cuối cùng. Mặc dù chưa có thông kê đầy đủ, song năm 2014 hoạt động cho vay tiêu dùng được đánh giá là phát triển mạnh hơn so với năm 2013 từ các NHTM, nhất là từ công ty tài chính tiêu dùng.

Điều đó đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tín dụng đen và mở ra cơ hội cho nhiều người dân tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Với xu thế hiện nay cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam sẽ phát triển là một xu hướng tất yếu, sự phát triển này không chỉ mở rộng về quy mô dư nợ cho vay, mà tính chất phức tạp của thị trường cũng sẽ tăng lên cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm mới như các khoản cho vay theo lương (payday loans), hoạt động cho vay đồng cấp (peer to peer loans) hiện đã được phát triển ở rất nhiều nước.

Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển thị trường này theo kịp sự phát triển của thị trường thế giới một cách lành mạnh, bền vững, trước hết cần một khuôn khổ pháp lý qui định về hoạt động cho vay tiêu dùng đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam, đi đôi với việc nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, NHNN
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2015

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục