“Trái ngọt” từ những thương vụ M&A
Theo phân tích của các chuyên gia, điểm khác biệt lớn nhất trong xu hướng M&A gần đây so với trước là các thương vụ diễn ra khá hữu hảo với kết quả đạt được sau các thương vụ này là sự “mỉm cười” của hầu hết các bên.
Hơn một năm trước đây, nhắc đến cái tên Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH), giới kinh doanh địa ốc lẫn tài chính có lẽ cũng chỉ biết đến một doanh nghiệp môi giới thứ cấp và kinh doanh phân bón chưa có nhiều nổi bật. Tuy nhiên, sau khi có một nhóm cổ đông mới thuộc thế hệ 8x nhảy vào gián tiếp “thâu tóm” doanh nghiệp này qua thị trường chứng khoán, DRH đã trở thành một hiện tương của thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán.
DRH đã “lột xác” như thế nào sau khi được thâu tóm? Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi có sự tham gia của nhóm cổ đông mới, DRH quyết liệt tái cơ cấu toàn diện Công ty. Từ đầu năm 2016 đến nay, DRH liên tục công bố thông tin mua lại hàng loạt dự án bất động sản, như dự án Khu căn hộ phức hợp 177 Huỳnh Tấn Phát; Khu căn hộ cao tầng 277 Bên Bình Đông và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những dự án có vị trí khá thuận lợi nhưng bị “đắp chiếu” nhiều năm nay, từ sau khi DRH nhận chuyển nhượng, các dự án này đã được hồi sinh trở lại. Dự kiến, các dự án đều sẽ được triển khai ngay trong năm 2016 khi các thủ tục, giấy phép liên quan hoàn thành.
Đáng chú ý hơn, mới đây DRH “bất ngờ” công bố sở hữu 20% vốn tại Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), một doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản, đá xây dựng. Kết thúc quý II/2016, KSB lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, KSB đạt 404,7 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11,4% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Dù chưa tăng năng suất khai thác nhưng nhờ kiểm soát chi phí tốt, lợi nhuận của KSB đã tăng lên đáng kể so với năm trước và sẽ còn tăng mạnh”, ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc DRH kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty KSB nói.
Trong xu hướng M&A thân thiện, không thể không nhắc đến Tập đoàn Novaland. Chỉ tính trong vài năm qua, Novaland đã mua và làm “sống” lại hàng loạt dự án bất động sản. Gần đây nhất, Novaland đã chi hơn 100 triệu USD để mua lại dự án có quy mô diện tích lên tới 30 ha của một quỹ đầu tư tại quận 2, TP. HCM bị đắp chiếu trong nhiều năm. Sau khi mua, Novaland đã nhanh chóng biến khu đất hoang hóa này thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City. Đây là dự án đầu tiên tại Khu Đông được đầu tư hồ cảnh quan rộng 3,6 ha và đang là dự án tâm điểm thu hút sự quan tâm của khách hàng hiện nay.
Bên cạnh các doanh nghiệp kể trên, những doanh nghiệp địa ốc để lại dấu ấn trong các thương vụ M&A khác có thể kể đến như Tập đoàn Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam, Kim Oanh...Trong đó, chỉ tính riêng Hưng Thịnh, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tập đoàn này đã thâu tóm gần 10 dự án trên thị trường. Điểm mạnh của Hưng Thịnh trong việc thâu tóm dự án là nhờ sở hữu đội ngũ bán hàng hơn 700 nhân viên, nên giải quyết đầu ra nhanh. Giới kinh doanh địa ốc ví von rằng, những doanh nghiệp như Hưng Thịnh, Novaland là những “người hùng” trong việc làm hồi sinh dự án tại khu vực TP. HCM thời gian qua.
Nội - ngoại cùng bắt tay
Câu chuyện M&A thân thiện không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp trong nước mà liên tục trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản TP. HCM còn chứng kiến nhiều thương vụ rót vốn của các nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực bất động sản.
Mới đây, Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL), niêm yết tại Singapore và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) đã chính thức “bắt tay” hợp tác phát triển dự án phức hợp nhà ở và thương mại trên diện tích 1 ha tại phường Thảo Điền, quận 2, TP. HCM với tổng kinh phí xây dựng ước tính khoảng 85 triệu USD. Theo đó, FCL và HAR sẽ phát triển dự án trên thông qua Công ty cổ phần Phát triển nhà ở GHomes.
Theo bản ký kết, FCL đã đạt được thoả thuận mua bán cổ phần có điều kiện với các cổ đông hiện hữu để mua lại 70% cổ phần tại GHomes. HAR và các cổ đông khác tiếp tục nắm giữ 30% cổ phần còn lại. Theo ông Lim Ee Seng, Tổng giám đốc FCL, việc mua 70% cổ phần trong GHomes với mong muốn được góp phần phát triển một dự án chất lượng cao bằng cách vận dụng kinh nghiệm quốc tế của FCL và tận dụng hiểu biết nội tại của An Dương Thảo Điền.
Đây không phải là thương vụ cá biệt, trước đó, Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản đã quyết định chọn Công ty Bất động sản An Gia để đầu tư 200 triệu USD vào công ty này theo hình thức mua lại 20% cổ phần, một phần đầu tư trực tiếp vào các dự án do An Gia phát triển theo tỷ lệ 50/50. Sau khi thực hiện cái “bắt tay” này, Quỹ đầu tư Creed Group cùng với An Gia đã tiến sâu hơn bằng một thương vụ hợp tác với Công ty Bất động sản Phát Đạt để phát triển Dự án River City tại phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM có quy mô diện tích lên đến 11,25 ha, bao gồm 12 block chung cư với khoảng 8.000 căn hộ. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án này lên đến 500 triệu USD.
Tương tự, trước đó, Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) đã bắt tay với Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Hoàng Quân (HQC). Theo đó, GEM đầu tư 20 triệu USD, tương đương gần 440 tỷ đồng vào HQC để phát triển các dự án bất động sản thông qua việc đầu tư vào cổ phiếu HQC.
Một doanh nghiệp địa ốc nhận được sự chú ý lớn của các nhà đầu tư ngoại thời gian qua phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH). Hiện nay, VinaCapital đang sở hữu cổ phiếu KDH với tỷ lệ 21%, tương đương 26 triệu USD. Dragon Capital là cổ đông lớn thứ hai của Công ty với tỷ lệ sở hữu 16%, tương đương giá trị thị trường hơn 20 triệu USD. Ngoài ra, các quỹ khác cũng tham gia vào KDH như Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM…
Theo các chuyên gia bất động sản, trong giai đoạn trước đây, một khi nhắc đến câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án bất động sản trong nước, không ít quan điểm tỏ ra lo ngại, nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư ngoại sẽ thống lĩnh thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, những lo ngại này đã không xảy ra mà ngược lại, thị trường chứng kiến khá nhiều thương vụ “giao duyên” nội - ngoại theo xu hướng thân thiện với mục đích chung hướng đến là các bên cùng có lợi.
Nhiều quan điểm cho rằng, sở dĩ xu hướng M&A thân thiện trong lĩnh vực địa ốc giữa các nhà đầu tư ngoại với các doanh nghiệp trong nước “lên ngôi” thời gian qua xuất phát từ thực tế đặc thù trong đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Xu hướng này được ví như những đôi tình nhân sau thời gian tìm hiểu, phát hiện những khiếm khuyết và lợi thế của nhau để rồi sau đó cùng nhau “kết duyên” để chia sẻ rủi ro, tận dụng lợi thế của nhau.
Các nhà đầu tư nước ngoài lâu nay luôn đánh giá đánh bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển cùng với điểm mạnh của họ là tiềm lực tài chính mạnh. Song điều lo ngại nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư vào bất động sản Việt Nam là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý của dự án. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp địa ốc trong nước là nắm rõ được thủ tục pháp lý, nhưng điểm yếu là thiếu vốn và kinh nghiệm để đầu tư. Và đây có lẽ cũng là một phần của lời giải đáp cho câu hỏi vì sao thời gian qua có nhiều thương vụ “bắt tay” giữa các nhà đầu tư nội - ngoại và khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com