Xu hướng giảm bao trùm thị trường hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chỉ số MXV-Index thể hiện sự biến động của 31 mặt hàng đang giao dịch tại Việt Nam hiện có mức giảm hơn 10% so với cuối năm 2022.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất, xuất khẩu cao su lớn thứ 3, nhập khẩu ngô lớn thứ 6, nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 toàn cầu. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất, xuất khẩu cao su lớn thứ 3, nhập khẩu ngô lớn thứ 6, nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 toàn cầu.

Thị trường kim loại nối dài xu hướng giảm

Phiên giao dịch 16/5/2023, trong tổng số 10 mặt hàng kim loại đang được giao dịch liên thông với các Sở Giao dịch thế giới, có tới 8 mặt hàng giảm giá. Trong đó, giá bạc giảm 1,64%, xuống 23,89 USD/ounce; giá đồng giảm 2,24%, xuống 3,667 USD/pound; giá bạch kim có mức giảm thấp nhất nhóm là 0,73%, xuống 1.066,9 USD/ounce.

Triển vọng của nhóm kim loại quý trở nên tiêu cực trước sự mạnh lên của đồng USD và lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ giảm bớt khiến vai trò trú ẩn của kim loại quý suy giảm.

Chỉ số Dollar Index phiên 16/5/2023 tăng 0,13%, lên 102,56 điểm, mức cao nhất trong hơn 1 tháng.

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, doanh số bán lẻ nước này tăng 0,4% trong tháng 4/2023, sau khi giảm 0,7% trong tháng 3. Doanh số bán lẻ lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) cũng tăng 0,4%, sau khi giảm 0,5% trong tháng 3. Hơn nữa, sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 0,5% so với tháng 3, trái với dự đoán giảm 0,1% của giới phân tích. Các số liệu này đều chỉ ra dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phiên 16/5/2023 giảm 2,44%, xuống 3,66 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Triển vọng tiêu thụ đồng tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi sự phục hồi kinh tế chậm của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.

Số liệu kinh tế tháng 4/2023 của Trung Quốc cho thấy, doanh số bán lẻ tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự đoán tăng 21%; sản lượng công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự báo tăng 10,9%. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 4/2023 giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Giá đậu tương xuống mức thấp nhất từ tháng 10/2022

Đà giảm của đậu tương được mở rộng khi giá lùi về mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. MXV cho biết, triển vọng nguồn cung vẫn là yếu tố chính tạo sức ép lên giá, đặc biệt là sau những số liệu từ Báo cáo cung - cầu tháng 5/2023.

Mùa vụ đậu tương kỷ lục tại Brazil với ước tính sản lượng có thể đạt 155 triệu tấn cùng với việc hoạt động xuất khẩu của nước này đang gây ra áp lực cạnh tranh tới giá trên Sở Giao dịch hàng hóa Chicago trong ngắn hạn.

Trong khi đó, giai đoạn gieo trồng tại Mỹ đang được đánh giá khá tích cực. Cụ thể, báo cáo Tiến độ mùa vụ vừa được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố cho thấy, tốc độ gieo trồng đậu tương gần đây chậm lại, nhưng tiến độ tính đến đầu tuần qua đã đạt 49% tổng diện tích dự kiến, vượt mức trung bình 36% cùng kỳ 5 năm trước. Thời tiết nhìn chung vẫn thuận lợi cho cây trồng giai đoạn nảy mầm và giúp hỗ trợ bổ sung độ ẩm cho đất trước khi trải qua khô hạn vào mùa hè.

Nguồn cung gia tăng ở cả 2 nước sản xuất hàng đầu là nguyên nhân chính khiến giá đậu tương ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái tới nay.

Trong phiên 16/5/2023, dầu đậu tương là mặt hàng có diễn biến đáng chú ý nhất. Theo Hiệp hội Các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA), các nhà máy ép dầu tại Mỹ ghi nhận tháng 4/2023 bận rộn nhất trong lịch sử.

Các thành viên của NOPA, chiếm khoảng 95% tổng khối lượng ép dầu đậu tương của Mỹ, đã xử lý 173,2 triệu giạ đậu tương trong tháng 4. Đây cũng là khối lượng ép dầu đậu tương lớn nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn tháng 4 hàng năm.

Tồn kho dầu đậu tương của NOPA tính tới cuối tháng 4/2023 tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng là 1,9 tỷ pound, từ mức 1,8 tỷ pound một tháng trước đó. Điều này đã xoá đi hoàn toàn những lo ngại về nguồn cung dầu thực vật và khiến giá dầu đậu tương lao dốc.

Giá nông sản thế giới suy yếu đã kéo giá nhập khẩu giảm theo. Ghi nhận cuối tuần qua, giá chào bán khô đậu tương tại cảng Cái Lân dao động trong khoảng 13.000 - 13.200 đồng/kg đối với kỳ hạn giao hàng các tháng quý III/2023. Giá chào bán khô đậu tương tại cảng Vũng Tàu thấp hơn, trong khoảng 12.900 - 13.000 đồng/kg. So với đầu năm nay, giá chào bán giảm khoảng 1.200 đồng/kg.

Xu hướng giảm của giá nông sản thế giới mang lại tín hiệu tích cực đối với ngành chăn nuôi trong nước, nhờ giá thành nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. Giá lợn hơi tại một số tỉnh, thành phố hiện dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 - 8.000 đồng/kg so với 1 tuần trước. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, giá thành phẩm như trên về cơ bản mới có thể đáp ứng được mức sản xuất.

Giá hàng hóa nguyên liệu biến động khó lường

Tại Hội thảo quốc tế: “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023” ngày 17/5/2023, các chuyên gia hàng đầu thế giới của CME Group dự báo, giá hàng hóa nguyên liệu sẽ tiếp tục biến động mạnh, khó lường cho đến cuối năm 2023.

Về giá dầu, từ đầu năm 2023 tới nay, giá dầu thế giới diễn biến thất thường. Sau khi đạt mức đỉnh 83,38 USD/thùng vào ngày 12/4, giá dầu WTI liên tục suy yếu, tạo mức đáy mới ở 63,57 USD/thùng vào ngày 4/5, tương đương mức giảm 23% trong vòng một tháng.

Ông Erik Norland, Giám đốc điều hành CME Group nhận định: “Bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến số, chủ yếu đến từ triển vọng kinh tế của Mỹ và tốc độ hồi phục của Trung Quốc. Các số liệu kinh tế gần đây nhìn chung gây thất vọng đối với thị trường, nhưng vẫn có cơ sở để lạc quan về sự khởi sắc của kinh tế trong trung và dài hạn”.

Chỉ số MXV-Index thể hiện sự biến động của 31 mặt hàng đang giao dịch tại Việt Nam, hiện có mức giảm hơn 10% so với cuối năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản và năng lượng là các mặt hàng giảm giá mạnh nhất, lần lượt giảm 13% và 17%.

“Cũng giống như giá dầu, các mặt hàng khác trong nhóm năng lượng như khí tự nhiên, khí hóa lỏng và xăng pha chế dự báo sẽ biến động mạnh trong năm nay. Thị trường sẽ chỉ ổn định trở lại khi kinh tế vĩ mô ổn định”, ông Nicolas Dupuis, Giám đốc điều hành về sản phẩm năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, CME Group nói.

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hưởng lợi

Áp lực của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã được giảm bớt khi giá nông sản nguyên liệu trên Sở giao dịch hàng hóa Chicago liên tục giảm trong thời gian vừa qua. Giá ngô nhập khẩu về cảng Cái Lân và Cái Mép hiện đã giảm dưới 280 USD/tấn, so với mức giá hơn 330 USD/tấn hồi đầu năm nay. Giá nguyên liệu giảm đã tạo tiền đề cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục hạ giá cám thành phẩm từ 300 - 800 đồng/kg (tùy loại), giúp hoạt động sản xuất chăn nuôi thuận lợi hơn.

Xu hướng giảm của giá nông sản thế giới mang lại tín hiệu tích cực đối với ngành chăn nuôi trong nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2023. Việt Nam đã nhập khẩu 2,81 triệu tấn ngô, tăng 9,3%; nhập khẩu lúa mì và đậu tương lần lượt tăng 6,7% và 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tại là giai đoạn thuận lợi để xuất nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trên thế giới. Trong nửa cuối năm 2023, thị trường có thể sẽ xuất hiện các điểm đảo chiều xu hướng, các doanh nghiệp cần có giải pháp, chiến lược ứng phó.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam là nước nhập khẩu ngô lớn thứ 6 và nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 toàn cầu. Ngược lại, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất, xuất khẩu cao su lớn thứ 3. Bất kỳ thay đổi nào về cung - cầu của Việt Nam cũng có thể tác động đến giá hàng hóa niêm yết trên các Sở giao dịch thế giới.

Ngọc Mai, MXV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục