Xử ai, ai xử

(ĐTCK) Trong cuộc họp báo chuyên đề quý I/2019 vừa được Bộ Tài chính tổ chức, câu chuyện chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại được đem ra mổ xẻ, với lý do chính được viện dẫn liên quan đến đất đai.
Xử ai, ai xử

Theo ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), chậm trễ là do các địa phương chậm phê duyệt phương án giá đất cũng như phương án sắp xếp lại đất đai của các doanh nghiệp.

Kết quả, quý I đã trôi qua, nhưng chưa doanh nghiệp nào trong số 18 doanh nghiệp được cổ phần hoá theo kế hoạch năm 2019. Trước đó, năm 2018, chỉ có 23/64 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, mà chủ yếu là doanh nghiệp không có yếu tố phức tạp về đất đai.

Bộ Tài chính, cơ quan đầu mối tổng hợp về cổ phần hóa viện dẫn Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/1/2019, yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, quyết toán cổ phần hoá...

Ðể xác định được trách nhiệm thì phải xem lỗi ở đâu? Việc này lại không dễ. Chẳng nói đâu xa, hiện vẫn có hàng loạt doanh nghiệp lớn đang “treo” định giá đất đai trước khi cổ phần hóa. Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Thép… là ví dụ. 8 năm trước, Tổng công ty Thép thực hiện cổ phần hóa, song vẫn có nhiều miếng đất chưa được phê duyệt giá trị đất, mà chỉ là tạm tính. Tương tự, Tổng công ty Viglacera cổ phần hóa với một loạt miếng đất tạm tính như vậy.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, các tổng công ty này đều có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt giá trị đất, tuy nhiên, quá 30 ngày không có trả lời. Theo hướng dẫn tại Nghị định số 59/2011/NÐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, trường hợp chưa có phê duyệt của các địa phương, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện cổ phần hóa và ghi rõ trong công bố thông tin đây là giá đất tạm tính.

Thực tế, trong báo cáo tài chính kiểm toán của Tổng công ty Thép hay các bản công bố thông tin của Viglacera đều có ghi là giá trị doanh nghiệp tạm tính, chưa quyết toán vốn nhà nước. Tuy nhiên, theo góc nhìn của dân kiểm toán, điểm này phải đưa vào mục ngoại trừ, vì có thể tạo ra tác động trọng yếu đến cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.

Trở lại với câu chuyện định giá đất, hiện nay, bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố công bố hàng năm mới chỉ là căn cứ để tính thuế liên quan đến nhà đất, phí trước bạ…, còn giá đất để tính tiền sử dụng đất cho mục đích chuyển đổi sang làm nhà chung cư, làm khu đô thị, hay giá đất để làm nhà kho, nhà xưởng… sẽ phải tính như thế nào, hệ số ra sao, theo phản ánh của các doanh nghiệp là không có căn cứ cụ thể.

Trước đây, các địa phương vận dụng nhiều quy định để xử lý vấn đề này và cho ra được giá đất được gọi nôm na là sát giá thị trường. Nhưng vì chẳng có quy định hay hướng dẫn cụ thể nên qua rất nhiều vụ thanh kiểm tra, cứ động đến đâu là phát hiện có sai phạm tới đất đai đến đó.

Hàng loạt vụ việc đang được bóc lại khiến cho hiện nay, các cơ quan có liên quan như tài nguyên môi trường, sở tài chính các địa phương lúng túng, vì nếu tham mưu phê duyệt giá cụ thể sẽ rất khó để giải trình căn cứ, nếu hồ sơ bị soát xét lại.

Hệ quả, doanh nghiệp mệt mỏi khi thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn mà cứ bị lơ lửng “treo” chưa biết đến ngày nào được thực hiện. Giới chuyên gia cho rằng, đây chính là kẽ hở để thất thoát, lãng phí trong đất đai tiếp tục tái diễn. Còn Bộ Tài chính mãi kêu chậm cổ phần hóa, thoái vốn do đất đai.

Thể chế là do con người tạo ra, những quy định, khung pháp lý rõ ràng liên quan đến đất đai và định giá đất không thể khó đến nỗi không xây dựng được. Vậy tại sao nút thắt này đã tồn tại cả chục năm vẫn chưa thể tháo gỡ? Chừng nào chưa gỡ được, việc quy trách nhiệm cho cổ phần hóa, thoái vốn chậm vẫn sẽ còn loay hoay với câu hỏi “xử ai, ai xử?”.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ