Cổ phần hóa, thoái vốn: Bứt phá được không?

(ĐTCK) Cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp sáng 19/1 đã phát đi nhiều thông điệp đáng chú ý, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu bứt phá về cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019.
Cổ phần hóa, thoái vốn: Bứt phá được không?

Số liệu thống kê cho thấy, giá trị phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược trong năm 2018 gấp 4,67 lần năm 2017 và gấp 1,4 lần năm 2016.

Nhưng nếu phân tích kỹ thì thấy, đó đều là kết quả của phần việc thực hiện trong năm 2017, khi các phiên IPO quy mô lớn của Tập đoàn Cao su, Lọc hoá dầu Bình Sơn, Dầu Việt Nam, Ðiện lực Dầu khí đều được cấp tập triển khai và phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017. Nếu bóc tách số lượng này ra, kết quả IPO năm 2018 không đáng thuyết phục. Thoái vốn nhà nước cũng tương tự.

Ngay các số liệu được công bố đã cho thấy, năm 2018 còn 53 doanh nghiệp nhà nước chưa được cổ phần hoá, 118 doanh nghiệp chưa được thoái vốn theo kế hoạch.

Ðặc biệt, TP.HCM và Hà Nội có 50 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá; các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai; tiến độ bàn giao doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng như việc thực hiện chế độ báo cáo không đạt yêu cầu.

Ðâu là nguyên nhân? Câu trả lời không mới. Nguyên nhân chậm được các bộ, ngành nêu ra là do việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn gặp khó khăn về quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian; quy định cổ phần hoá, thoái vốn phải làm lại thủ tục theo các văn bản quy định pháp luật mới nên kéo dài…

Nhưng từ góc độ người trong cuộc, ông Nguyễn Ðức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng, nguyên nhân chính là các bên có liên quan chưa quyết liệt thực hiện. Nếu người đứng đầu các đơn vị chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn bị phê bình, nêu tên công khai, sẽ khó có chuyện dây dưa, chậm trễ, các đơn vị sẽ phải “làm ngày, làm đêm” để kịp tiến độ.

Nếu nguyên nhân chủ quan xuất phát từ yếu tố con người, chắc chắn nó sẽ phải được thay đổi. Nhưng Việt Nam có nên đặt mục tiêu bứt phá trong cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019?

Trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều bấp bênh, yếu tố này dưới góc nhìn của giới phân tích cũng cần cân nhắc, vì nếu dồn toa một lượng hàng hóa lớn ra thị trường, việc tối đa hóa giá trị thu về cho Nhà nước không dễ.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa, nhà đầu tư trả thấp vẫn có cơ mua được tài sản nhà nước, mà việc thoái vốn, IPO cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, minh bạch, cân nhắc mọi yếu tố, vì mục tiêu cao nhất là lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục