Xoay chuyển nghịch cảnh

(ĐTCK) Bên tách trà nóng chiều hè, giám đốc khu vực một tập đoàn tài chính lớn của Mỹ trò chuyện cởi mở với các nhà báo và tỏ ra rất ngạc nhiên, thích thú về việc Việt Nam có nhiều ngày kỷ niệm cho các ngành nghề, trong đó có một ngày kỷ niệm báo chí cách mạng và năm nay là dịp 95 năm.
Xoay chuyển nghịch cảnh

Là người Mỹ gốc Singapore, chị thực sự khâm phục và cảm thấy may mắn khi được sống và làm việc ở Việt Nam trong những tháng gần đây. Một cảm giác an toàn, an tâm sống và làm việc. Trong con mắt của những nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thể hiện được một xã hội nhân văn, đoàn kết, hệ thống chính quyền và người dân đồng lòng chống dịch. 

Trong cuộc chiến chống Covid-19, báo chí là một trong 4 lực lượng tiên phong, các nhà báo tiếp tục thể hiện tinh thần dấn thân, cống hiến, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có báo chí. Những thước phim, tấm ảnh, những bài viết của các phóng viên đã tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong dư luận xã hội.

Báo chí kinh tế đã góp phần phản ánh những khó khăn của các doanh nghiệp, chuyển tải đề xuất, kiến nghị chính sách để trợ lực cho các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ.

Thách thức được đo đếm bằng cấp số nhân so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, những nỗ lực, xoay trở, nỗi niềm đau đáu của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhằm giữ ổn định thu nhập và đảm bảo đời sống cho người lao động được phản ánh một cách chân thực, sống động đã phần nào tạo ra động lực và niềm tin về những chiến thắng trên mặt trận kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những bộn bề khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang phải đối mặt. Trong dòng xoáy đó, kinh tế báo chí, nhất là những tờ báo phải tự chủ về tài chính, vốn đã thách thức nay còn vướng hơn rất nhiều.

Nhiều tờ báo doanh số giảm đến 70-80%, không đủ bù đắp chi phí in ấn, lượng độc giả đọc báo điện tử tăng lên, nhưng doanh thu không tăng, thậm chí còn giảm... 

Khó khăn khiến cho hiện tượng thương mại hóa báo chí có nguy cơ “tăng cấp độ”, nhiều tờ báo hoạt động không làm đúng tôn chỉ, mục đích của mình, câu like, câu view, có những nhà báo hoạt động không chính trực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gặp doanh nghiệp để gây sức ép…

“Những con sâu làm rầu nồi canh” như vậy đã khiến người dân, doanh nghiệp “ngại” báo chí. Dù những người làm báo, những cơ quan báo chí như vậy không nhiều, song gây tác hại nghiêm trọng, làm hại thanh danh của những người làm báo chân chính, đòi hỏi các nhà quản lý và chính các cơ quan báo chí phải kiên quyết đào thải, chống lại cách làm báo tiêu cực như trên, bởi đó chỉ là sự tồn tại nhất thời ngắn hạn.

Cũng không khác các doanh nghiệp, báo chí hiện nay phải thực sự xoay trở, không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sản phẩm báo chí, phải đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Muốn chiếm được niềm tin của độc giả, báo chí phải khẳng định được những giá trị cốt lõi của mình.

Ðó là truyền tải và phân tích thông tin khách quan, công tâm, có tính chiến đấu, tính trách nhiệm và tinh thần nhân văn, chống lại tin xấu độc, hướng tới giá trị tốt đẹp.

Trên thị trường chứng khoán, rộng hơn là nền kinh tế, chứng kiến không ít doanh nghiệp đã xoay chuyển nghịch cảnh, tìm ra con đường thoát khỏi khó khăn và phát triển mạnh mẽ.

Còn nhớ trong một cuộc trao đổi với cánh nhà báo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT từng nói: Khó đến đâu rồi cũng có đường. Cuộc sống luôn luôn có những con đường, vấn đề là mình có tìm ra nó không. Mình có dám đi không, mình sẽ đi như thế nào. Tận lực và sáng tạo sẽ thấy con đường thích hợp.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục