Xóa tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng: Cần quyết liệt!

(ĐTCK) NHNN vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần của các cổ đông lớn tại các NHTM. Các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ cho rằng, việc sớm ban hành thông tư này là cần thiết để giảm tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng, song cần quyết liệt thực hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Hiện tổng số cổ phần của gia đình ông Trầm Bê tại Southern Bank lên đến 21,14% Hiện tổng số cổ phần của gia đình ông Trầm Bê tại Southern Bank lên đến 21,14%

Thời gian từ nay đến tháng 3/2015 (thời hạn cuối cùng để các cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần cho phép giảm về mức quy định theo dự thảo Thông tư NHNN vừa đưa ra) tuy không phải là nhiều, nhưng theo đánh giá của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cũng đủ để các cổ đông có thời gian chuẩn bị để chuyển nhượng và thoái vốn. Ông Kiêm cho rằng, đây là việc làm cần thiết để lành mạnh hệ thống khi tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xóa bỏ, giảm sở hữu chéo.

Một lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, để có thể xóa được tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng cũng như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một ngân hàng, trước hết là tăng cường sáp nhập, hợp nhất cũng như đẩy mạnh việc thoái vốn ngoài ngành. Theo lãnh đạo trên, thị trường chỉ cần 15 ngân hàng là đủ, nếu hoạt động của số ngân hàng này lớn mạnh, hiệu quả và mạng lưới rộng khắp.

Thời gian qua, áp lực tăng vốn theo quy định của Nghị định 141 đã góp phần làm tăng tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo và tạo cơ hội cho nhiều cổ đông lớn trong ngành thao túng các ngân hàng, với lượng cổ phần nắm giữ vượt quy định. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, tình trạng này chưa được xử lý triệt để. Dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại Luật các TCTD năm 2010 và yêu cầu các ngân hàng xử lý dứt điểm tình trạng này, chậm nhất trước 31/3/2015, sẽ là áp lực đối với các cổ đông lớn trong việc thoái vốn tại ngân hàng.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, thực tế, sở hữu chéo và việc chi phối của một số cổ đông lớn trong ngành ngân hàng là không xấu, nếu cá nhân hay tổ chức đó biết dừng lại ở một chừng mực nhất định. Nhưng trong thời gian qua đã có không ít cổ đông, tổ chức lợi dụng sở hữu chéo để thao túng ngân hàng. Vì thế, việc xử lý triệt để tình trạng này, giảm sở hữu chéo là cần thiết. 

Theo thống kê của NHNN, hiện còn 5 NHTM có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, 5 đơn vị có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 NHCP mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.

Theo báo cáo tình hình quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 của Southern Bank, cá nhân ông Trầm Bê và con gái là Trầm Thuyết Kiều vẫn nắm giữ tỷ lệ cổ phần tại Ngân hàng vượt trần quy định của Luật các TCTD năm 2010, lần lượt là 8,36% và 7,36%. Còn nếu tính cả số cổ phần mà con trai ông Bê là Trầm Trọng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank đang nắm giữ 4,42%, tổng số cổ phần gia đình ông Bê tại Southern Bank lên đến 21,14%, không thay đổi so với tỷ lệ nắm giữ vào cuối năm 2013. Cổ đông lớn thứ 2 của Southern Bank là UOB (đối tác ngoại), nắm 19,99% cổ phần.

Trong khi đó, theo báo cáo tình hình quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 của Sacombank, Eximbank vẫn là cổ đông lớn, nắm giữ khoảng 10% cổ phần. Tiếp đến là gia đình Phó chủ tịch thường trực HĐQT Trầm Bê, với tổng cộng 6,78% cổ phần. Trong đó, ông Trầm Bê nắm giữ 1,84 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,15% vốn điều lệ; con trai ông là Trầm Trọng Ngân giữ 54,72 triệu cổ phiếu, tương đương 4,4% vốn; một người con trai khác của ông Trầm Bê là Trầm Khải Hòa giữ hơn 24 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,93% và con gái Trầm Thuyết Kiều giữ gần 3,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,3% vốn.

Để đáp ứng quy định theo lộ trình dự thảo NHNN đưa ra, một số cổ đông lớn ngân hàng đã và đang xoay xở tìm cách giảm tỷ lệ sở hữu vượt trần bằng cách thoái vốn hoặc sáp nhập ngân hàng như: Maritime Bank sáp nhập MeKong Bank, vì Maritime Bank là cổ đông lớn đang nắm tỷ lệ cổ phần tại MeKong Bank; Southern Bank sáp nhập vào Sacombank…

Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, từng sở hữu 9,19% vốn của Ngân hàng và bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) nắm 9,39%. Nhưng theo công bố mới đây của VIB, vợ chồng ông Vỹ đã bán bớt tổng số 37 triệu cổ phiếu VIB để giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân về dưới 5%. Tính đến ngày 13/2/2014, ông Vỹ chỉ còn nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,99%, còn bà Hiền sở hữu hơn 20,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9%.

Hiện còn một số cổ đông đang nắm tỷ lệ cổ phần vượt trần cho phép tại một số ngân hàng, song không dễ thoái vốn trong bối cảnh hiện nay, bởi giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, những nhà băng mà cổ đông lớn nắm tỷ lệ cổ phần vượt trần lại chủ yếu là nhà băng nhỏ, yếu kém nên không dễ “thoát” hàng trong bối cảnh khó khăn. Giải pháp được cho là tốt nhất trong bối cảnh này là sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại.

Tuy nhiên, những ngân hàng lớn, có tiềm năng và triển vọng tăng trưởng vẫn thu hút cổ đông. Đơn cử như cổ đông lớn Him Lam của LienVietPostBank đã mua gần 13 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ nắm giữ vốn LienVietPostBank lên 12,44%.

Theo báo cáo quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 của LienVietPostBank, trong nửa đầu năm nay, cổ đông nội bộ và người liên quan đã có khá nhiều giao dịch mua bán cổ phiếu, nhưng đáng chú ý là 2 giao dịch của cổ đông lớn Him Lam và Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Đức Hưởng lại có động thái mua vào.

Trong đó, ông Hưởng mua thêm gần 6 triệu cổ phiếu, đưa lượng nắm giữ lên 21,46 triệu cổ phiếu, tương đương 3,32% vốn của Ngân hàng. Cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank hiện vẫn là VNPost với tỷ lệ sở hữu 12,55%.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục