Xóa sổ công ty chứng khoán yếu, càng để lâu càng rủi ro

(ĐTCK) Việc khó “xóa tên” các CTCK đang được nhìn nhận là gây nên nhiều hệ lụy đáng ngại. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, sẽ cản trở nỗ lực triển khai các sản phẩm, giải pháp mới, thậm chí tạo thêm rủi ro cho NĐT và thị trường...
Tính đến cuối tháng 6/2015, đã xử lý được 24 CTCK yếu kém Tính đến cuối tháng 6/2015, đã xử lý được 24 CTCK yếu kém

“Bóng” ngoài chân UBCK

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Đề án tái cấu trúc CTCK, tính đến cuối tháng 6/2015, đã xử lý được 24 CTCK, giảm được 24% lượng CTCK, còn 81 CTCK đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số ý kiến, gần 4 năm trôi qua kể từ khi triển khai Đề án tái cấu trúc CTCK, tốc độ giảm số lượng CTCK còn chậm.

Nói chính xác hơn là số lượng các CTCK được khoanh vùng và đưa vào diện thực hiện tái cấu trúc đã được tiến hành khá nhanh trong vài năm qua, nhưng khoảng cách từ khi đưa vào diện này đến khi “xóa tên”, rút giấy phép hoạt động thì quá kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu từ phía các CTCK. Chẳng hạn, với những CTCK tự nguyện giải thể như: Âu Việt, Chợ Lớn, cũng phải mất cả năm trời UBCK mới có thể thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, do nhà quản lý phải đợi các công ty hoàn tất việc xử lý công nợ.

Còn với các CTCK bị “cưỡng bức” giải thể như: Delta, Hà Nội, Trường Sơn, ngay cả nhà quản lý cũng không có câu trả lời chính xác đến bao giờ mới có thể thu hồi giấy phép hoạt động của các công ty này, mặc dù UBCK đã ra quyết định buộc họ phải tiến hành các bước giải thể cách đây vài năm.

Quy trình bắt buộc giải thể có thể tạm chia thành 3 bước. Bước 1, khi các CTCK bị mất an toàn tài chính, UBCK ra quyết định buộc các công ty này phải tiến hành các bước giải thể, nhưng nhà quản lý không thể thu hồi giấy phép hoạt động được ngay, mà phải đợi các CTCK thực hiện xong bước 2 là hoàn tất toàn bộ việc xử lý công nợ, cũng như các thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán.

Thực tế cho thấy, do ở vào tình trạng “chết lâm sàng”, nên ông chủ/cổ đông còn lại của các CTCK hoặc là không thể xử lý dứt điểm công nợ, hoặc họ thấy rằng thực hiện việc này cũng như các thủ tục giải thể khác quá khó khăn và tốn thời gian, tiền bạc, nên họ… chẳng làm gì.

Một khi CTCK không hoàn tất bước 2, thì UBCK không thể thực hiện bước 3 là ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của các CTCK. Sở dĩ như vậy là bởi, chừng nào CTCK còn chưa xử lý hết công nợ, thì họ sẽ còn phải chịu trách nhiệm đến cùng với các khoản công nợ đang tồn tại, nên sẽ không thể “xóa tên”. Chính vì tình trạng này mà việc “xóa tên” một số CTCK đang rơi vào tình trạng kéo dài vô thời hạn.

Hệ lụy

Những năm trước, việc “xóa tên” CTCK diễn ra nhanh hay chậm, không phải là chuyện gì quá nóng sốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện tại, nếu tình trạng “xóa tên” CTCK vẫn diễn ra chậm, sẽ gây nên những hệ lụy đáng ngại.

Đầu tiên là gây khó khăn, cản trở cho nỗ lực triển khai các sản phẩm, giải pháp mới cho thị trường, điển hình như áp dụng giao dịch trong ngày (T+0), hay rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, hay sắp tới là các sản phẩm chứng khoán phái sinh...

“Nói nôm na, khi tham gia triển khai một dự án, công trình nào đó, nhà thầu phải thỏa mãn nhiều yêu cầu của chủ đầu tư. Điều này cũng tương tự như với CTCK phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn, an toàn tài chính, quản trị rủi ro…, thì mới đảm bảo triển khai có hiệu quả, an toàn các sản phẩm, giải pháp mới”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhìn nhận và cho rằng, đã đến lúc UBCK cần quyết liệt hơn trong triển khai các giải pháp, nhằm đào thải nhanh hơn các CTCK ốm yếu, tránh để các đối tượng này là lực cản trong triển khai các giải pháp cải cách, hiện đại hóa thị trường.

Một hệ lụy khác là tình trạng “vượt rào” các quy định pháp lý, gây rủi ro cho chính CTCK, cũng như NĐT và thị trường. Theo dõi kết quả xử lý vi phạm của nhà quản lý cho thấy, các hiện tượng vi phạm về bán khống, cho vay margin, CTCK lạm dụng tài khoản của NĐT dẫn đến khiếu kiện phức tạp…, phần nhiều rơi vào các CTCK ốm yếu, quy mô nhỏ, có tính tuân thủ kém. Thực tế này, như nhiều lần nhà quản lý than phiền là khiến họ “đau đầu” trong kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong khối CTCK.

Tình trạng chậm “xóa tên” các CTCK ốm yếu, còn tiềm ẩn rủi ro cho NĐT, cũng như thị trường. Do hạn chế trong nắm bắt thông tin hoạt động của các CTCK, nên theo phản ánh của NĐT, không phải lúc nào họ cũng nhận diện được CTCK có vấn đề về tính tuân thủ, cũng như sức khỏe tài chính ốm yếu, để có biện pháp bảo vệ an toàn tài sản.

Được biết, UBCK có xếp hạng các CTCK, nhưng kết quả xếp hạng này chỉ phục vụ cho mục đích quản lý, chứ không được công khai ra thị trường để giúp NĐT có thêm thông tin trong lựa chọn địa chỉ tin cậy để mở tài khoản giao dịch.

Theo UBCK hiện các CTCK trong diện tái cơ cấu được phân loại thành các nhóm sau:

1. Nhóm CTCK đang bị kiểm soát đặc biệt: TONKIN, Á Âu, CIMB-VINASHIN.

2. Nhóm CTCK bị đình chỉ hoạt động: Chợ lớn, Tràng An.

3. Nhóm CTCK bị chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động: Delta, Hà Nội, Trường Sơn.

4. Nhóm CTCK không còn hoạt động môi giới, tạm ngừng hoạt động: Golden Bridge Việt Nam, SME…

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục