Xóa rào cản ngôn ngữ với nhà đầu tư ngoại

(ĐTCK) Cùng với việc công bố báo cáo tài chính song ngữ (Việt - Anh), các doanh nghiệp niêm yết đã sẵn sàng áp dụng chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) – “ngôn ngữ kế toán” chung của thế giới.
Nhà đầu tư nước ngoài đã dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin từ doanh nghiệp niêm yết

Công bố báo cáo tài chính song ngữ

Trong những mùa công bố báo cáo tài chính trước, số doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính song ngữ rất hiếm, hầu như chỉ xuất hiện ở vài doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, có các hoạt động liên quan tới nhà đầu tư lớn nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế, đặc biệt có hoạt động kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, mùa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 đã có sự chuyển biến tích cực, khi hàng loạt doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Bước tiến này là nhờ Thông tư 68/2024/TT-BTC (có hiệu lực cuối năm 2024) yêu cầu các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh từ ngày 1/1/2025.

Việc các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính song ngữ từ quý IV/2024 là cơ sở để các cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận các nguồn thông tin từ doanh nghiệp một cách thuận lợi và bình đẳng với nhà đầu tư trong nước.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã giải quyết hai “nút thắt” quan trọng trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi của FTSE Russel là công bố thông bằng tiếng Anh và các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh (prefunding). Nhờ đó, FTSE Russell có thể xác nhận Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 3/2025 và chính thức nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 9/2025.

“Nếu được nâng hạng, tỷ trọng vốn hóa cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index dự kiến đạt 0,57% (tương đương 43/7.593 tỷ USD). Theo đó, dòng vốn phân bổ vào thị trường Việt Nam có thể ước tính đạt 916 triệu USD, tương đương với 2,2% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu khối ngoại nắm giữ hiện tại”, Chứng khoán Rồng Việt ước tính.

Sẵn sàng áp dụng tiêu chuẩn kế toán IFRS

Không chỉ thực hiện công bố báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Theo Quyết định số 345/2020/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, lộ trình triển khai áp dụng IFRS được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025), sẽ có các doanh nghiệp tự nguyện hoặc được lựa chọn bởi Bộ Tài chính để áp dụng IFRS khi lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng; giai đoạn 3 (từ năm 2025 trở đi) sẽ áp dụng IFRS bắt buộc cho báo cáo tài chính hợp nhất của tất cả các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; các công ty niêm yết, các công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết.

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường triệu tập vào đầu năm 2025, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) đã chia sẻ về việc áp dụng IFRS, thay cho các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Theo đó, CII mong muốn được áp dụng IFRS từ lâu, bởi theo VAS, giá cổ phiếu CII trên thị trường hay bất kỳ một tài sản nào đều được ghi nhận theo giá gốc.

“Nếu áp dụng IFRS, cổ đông sẽ biết được CII lời bao nhiêu, chỉ số nợ sẽ giảm do tài sản tăng lên và bức tranh tài chính của CII sẽ khá hơn nhiều khi làm việc với các tổ chức tín dụng hay nhà đầu tư nước ngoài. Công ty hiện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và nguồn lực, ngay sau khi Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cho phép áp dụng, Công ty sẽ áp dụng chuẩn mực IFRS vào báo cáo tài chính trong vòng không quá 6 tháng”, ông Bình nhấn mạnh thêm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) cho biết, việc Công ty sử dụng phương pháp khấu hao nhanh đội tàu giúp giá trị sổ sách hiện tại đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường và nếu được áp dụng IFRS, giá trị sổ sách của đội tàu sẽ được định giá theo giá thị trường, từ đó nâng quy mô tài sản.

Theo Chủ tịch PVTrans, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng tiêu chuẩn kế toán IFRS.

Nhóm doanh nghiệp cá tra, tôm cũng kỳ vọng việc áp dụng tiêu chuẩn IFRS sẽ giúp tái định giá lại quỹ đất vùng nuôi. Đây là tài sản được phát triển từ nhiều năm về trước, có giá vốn tương đối thấp so với giá thị trường hiện tại.

Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, bởi bộ chuẩn mực này giúp việc hạch toán các chi phí của doanh nghiệp đúng bản chất hơn so với tiêu chuẩn kế toán Việt Nam đang áp dụng.

Đơn cử, theo VAS, nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) thì chỉ cần chuyển từ các khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác sang tăng vốn chủ sở hữu. Như vậy, về bản chất, phát hành ESOP là chuyển dịch các khoản mục trên báo cáo tài chính. Còn theo IFRS, khi doanh nghiệp phát hành ESOP sẽ buộc phải ghi nhận chi phí theo từng giai đoạn, gắn liền với kỳ phát hành ESOP đó.

Ví dụ, nếu một doanh nghiệp phát hành ESOP với thời gian hạn chế chuyển nhượng là 50% trong năm thứ nhất và 50% còn lại trong năm thứ hai, doanh nghiệp phải ghi nhận chi phí của từng khoản ESOP không còn bị giới hạn chuyển nhượng vào cuối năm thứ nhất và cuối năm thứ hai. Chi phí phát hành ESOP phụ thuộc vào giá trị hợp lý của cổ phiếu đó tại ngày ESOP được phát hành, thông thường là sử dụng giá thị trường.

Thực tế, ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang liên tục phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã SSI), Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN), Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG)… Việc phát hành cổ phiếu ESOP này trong tương lai sẽ là chi phí của doanh nghiệp và sẽ làm giảm lợi nhuận của Công ty nếu áp dụng tiêu chuẩn kế toán IFRS.

Việc áp dụng IFRS, với các tiêu chuẩn mang tính khắt khe hơn quy định kế toán hiện hành, có thể dẫn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp biến động khi các chi phí được ghi nhận đúng bản chất. Tuy vậy, việc sử dụng “ngôn ngữ kế toán” quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam minh bạch hơn trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, gia tăng sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam với dòng vốn ngoại.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục