Sức bật hấp dẫn từ cổ phiếu nhóm phân bón

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách khơi thông có lợi cho ngành phân bón, hóa chất, điều này có vai trò ra sao và có trở thành động lực hấp dẫn nhà đầu tư cho nhóm cổ phiếu này hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài phân tích của các chuyên gia phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS).
Sức bật hấp dẫn từ cổ phiếu nhóm phân bón

Thuế suất 5% mở ra cơ hội tiềm năng

Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT – VAT), quy định rằng từ ngày 01/07/2025, phân bón chính thức được đưa vào danh mục hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%.

Hiện tại, do phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra, giá trị thuế VAT của các nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ mà phải tính trực tiếp vào chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán để bù đắp chi phí, dẫn đến việc mất lợi thế cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi phân bón bắt đầu chịu thuế VAT đầu ra 5%, các khoản thuế VAT đầu vào sẽ được hoàn lại, giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với trước đây. Việc áp thuế GTGT có thể làm tăng giá bán phân bón, nhưng lợi ích từ việc giảm chi phí sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước giảm giá bán để tăng sức cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Kết quả là, phân bón nội địa có thể cải thiện vị thế cạnh tranh, trong khi người tiêu dùng cuối cùng vẫn được hưởng lợi.

Cổ phiếu được lợi nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón

Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón gần như không chịu tác động đáng kể từ thay đổi này, do thuế suất VAT ở cả đầu vào và đầu ra đều giữ ở mức 5%, dẫn đến lợi nhuận không bị biến động. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân đơn như ure, lân và DAP (bao gồm DCM, DPM, DDV, LAS) sẽ được hưởng lợi nhờ có thể hoàn thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào. Ngược lại, các nhà sản xuất phân NPK hầu như không được hưởng lợi từ chính sách này, bởi nguyên liệu chính để sản xuất là phân đơn, và tác động của việc áp thuế GTGT lên phân bón đối với lợi nhuận của họ là không đáng kể.

Với sự hỗ trợ lớn từ chính sách, chuyên gia VPS đã đưa ra khuyến nghị về một số cổ phiếu cơ bản tốt, có tiềm năng trong nhóm ngành phân bón và hóa chất như DPM, DCM.

Theo đó, với cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, chuyên gia VPS đánh giá công ty có thể được hưởng lợi từ nhu cầu phân bón tiếp tục tăng cao. Cụ thể nhu cầu về phân bón tại Việt Nam, đặc biệt là phân đạm vẫn rất lớn trong dài hạn khi sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng và Việt Nam vẫn nhập khẩu ròng phân bón với giá trị lớn. Bên cạnh đó, về dài hạn, các yếu tố như diện tích đất nông nghiệp tại Việt Nam giảm, thực phẩm và các món ăn Việt Nam ngày càng phổ biến trên thế giới, … sẽ tăng nhu cầu sử dụng phân bón tại Việt Nam. DPM với sản phẩm chủ lực là ure, có nhu cầu ổn định hơn các loại phân bón gốc K và gốc P, có thể tiếp tục tăng trưởng được sản lượng tiêu thụ khi tăng giá sản phẩm ure.

DPM đang có kế hoạch mở rộng sản xuất và tham gia nhiều hơn vào thị trường NPK khi mà sản lượng sản xuất NPK của DPM mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Thị trường phân bón NPK hiện nay rất cạnh tranh, nhưng việc tham gia nhiều hơn vào thị trường này có thể giúp đa dạng và tăng thêm nguồn thu cho công ty.

Bên cạnh DPM, chuyên gia VPS cũng cân nhắc tới cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Đặt trong bối cảnh giá khí tự nhiên, nguyên liệu chính của DCM được dự báo giảm trong năm 2025 nhờ giá dầu toàn cầu giảm. Nguyên nhân giá dầu giảm đến từ rủi ro gián đoạn nguồn cung thấp hơn (sản lượng dư thừa và Libya sản xuất trở lại) và nhu cầu dầu tăng trưởng chậm, với việc OPEC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 - 2025.

Ngoài yếu tố giá dầu giảm, việc cải thiện biên lợi nhuận nhờ giảm khấu hao cũng hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của DCM. Nhà máy Ure Cà Mau đã hết khấu hao, giúp giảm chi phí cố định và cải thiện biên lợi nhuận của DCM. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ phân NPK tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) dự báo nhu cầu tiêu thụ phân Ure sẽ tăng 6% trong giai đoạn 2024–2028. Các chuyên gia nhận định rằng thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có thể đạt trạng thái cân bằng cung – cầu tốt hơn so với năm 2024, với tổng cung ước tính khoảng 11,5 – 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến dao động từ 10 – 10,5 triệu tấn. (*)

(*) Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Bài viết không mang tính chất mời chào hay bán bất kỳ chứng khoán nào, nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong bài viết này.

Long Giang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục