Bỏ ngỏ khả năng phân bón chịu thuế GTGT
Nhóm cổ phiếu phân bón vừa có nhịp hồi vào đầu tháng 8 sau đợt điều chỉnh tương đối mạnh trong tháng 7 giúp thị giá DCM lấy lại 5,8%, DPM và LAS hồi phục hơn 10%, DDV tăng đến 14%. Tuy nhiên, trong vài phiên tuần qua, giá các cổ phiếu phân bón đã có dấu hiệu điều chỉnh trở lại. Diễn biến này được cho là ảnh hưởng bởi thông tin dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đang được ráo riết lấy ý kiến từ các bên nhưng còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khiến khả năng phân bón thuộc diện chịu sắc thuế này bị bỏ ngỏ.
Quan điểm thứ nhất là tiếp tục giữ phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT như quy định hiện hành, trên cơ sở lập luận thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất thuế GTGT 5% sẽ làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Quan điểm thứ hai là đưa nhóm ngành hàng phân bón quay lại diện chịu thuế GTGT 5%. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015, khi thực hiện Luật Thuế GTGT (Luật số 71), giá thành phân đạm (urê) trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Giá phân bón đến tay nông dân cũng tăng theo, kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng đáng kể, đồng thời làm hạn chế sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư sản xuất phân bón.
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, việc không phải chịu thuế GTGT là một trong những nguyên nhân khiến phân bón giả, phân bón kém chất lượng được tiêu thụ tràn lan trên thị trường.
“Nhiều năm qua, các loại phân bón giả và kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì, phát triển ổn định, đồng thời tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, cần nhanh chóng đưa phân bón từ không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế”, ông Hà nói.
Về phía doanh nghiệp phân bón, theo ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem (mã DDV), nếu tính thuế GTGT 5% thì nhà sản xuất sẽ giảm giá thành phân bón được khoảng 2,5% và Công ty sẽ ngay lập tức giảm giá bán 2 - 2,5% để cạnh tranh với hàng nhập ngoại tại thời điểm mặt hàng phân bón được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5%.
Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi với việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024) và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), nếu dự thảo này được thông qua, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp phân bón sẽ tăng 30 - 50% nhờ được khấu trừ thuế đầu vào; đồng thời, giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do chịu thuế GTGT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.
Trong trường hợp phân bón tiếp tục giữ ở diện không chịu thuế, nhìn một cách tích cực, các doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh tương đối tốt.
Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, mã DPM) thông tin, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 7.255 tỷ đồng, lãi ròng 495 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 37% so với cùng kỳ. Đến cuối tháng 7, Công ty đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2024 là 542 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DMC) ghi nhận doanh thu tăng gần 10% so với cùng kỳ, đạt 6.607 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 70%, đạt 919 tỷ đồng. Kết thúc quý II/2024, DCM vượt gần 16% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, DDV ghi nhận 1.714 tỷ đồng doanh thu, 90 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm, ghi nhận mức tăng trưởng 10% về doanh thu và gấp gần 91 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ. Với kết quả này, DDV đã thực hiện được hơn 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (mã LAS) cũng cao gần gấp đôi cùng kỳ, đạt mức 120 tỷ đồng và vượt hơn 10% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Thị trường phân bón: Triển vọng sáng
Sau những tháng đầu năm 2024 giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trở lại từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 do nguồn cung tại Ai Cập bị thắt chặt bởi thiếu khí đốt. Bên cạnh đó, tin tức Trung Quốc trì hoãn việc xuất khẩu phân bón trở lại đã hỗ trợ xu hướng tăng giá của mặt hàng này. Tại ngày 15/8/2024, giá phân bón urê phản ánh trên Trading Economics ở mức 311,5 USD/tấn, tăng 3,9% so với tuần trước và tăng 2,07% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm xấp xỉ 13%.
Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, giá phân bón urê sẽ tăng vào cuối quý III/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân do thị trường urê vẫn chịu nhiều áp lực về nguồn cung. Bên cạnh đó, kỳ vọng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại từ tháng 9 khi bước vào vụ mùa (lúa mì, ngô) của thế giới.
Cùng với kỳ vọng giá phân bón sẽ tăng từ cuối quý III/2024, Công ty Chứng khoán FPTS dự báo nhu cầu tiêu thụ phân urê trong nước cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhờ hai yếu tố hỗ trợ: Thứ nhất, diễn biến thời tiết thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp. Hoạt động canh tác trong năm 2023 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hiện tượng El Nino (thời tiết khô hạn) dẫn đến nhu cầu phân bón giảm; Thứ hai, giá nông sản dự báo tăng, hỗ trợ khả năng chi trả phân bón của nông dân.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá gạo (mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam) sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ, đạt mức 595 USD/tấn. Giá một số loại nông sản phổ biến trong nước khác như cà phê cũng được dự báo tăng 32,2%. Do đó, FPTS kỳ vọng giá nông sản cao sẽ thúc đẩy người nông dân tăng diện tích gieo trồng, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Trên cơ sở dự báo giá và sức cầu phân bón tăng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành năm 2024 được các công ty chứng khoán dự phóng tăng trưởng so với năm ngoái. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán FPTS, lãi ròng của DPM trong năm nay ở mức 677 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. DSC dự phóng lãi ròng năm 2024 của DCM ở mức 1.780 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Còn ABS dự phóng lợi nhuận sau thuế năm nay của LAS đạt 235,8 tỷ đồng, tăng 58,7%.