Xổ số truyền thống tăng chỉ tiêu nộp ngân sách, thêm độ nóng từ Vietlott

Các Cty XSKT đang “đứng ngồi không yên” khi ngày 1.1.2017 tới đây, nguồn thu từ XSKT bắt buộc phải đưa vào cân đối chung trong ngân sách, gom về một mối do Trung ương điều tiết, kèm theo đó, chỉ tiêu nộp ngân sách “áp” cho các Cty XSKT cũng cao hơn so với trước đây. Áp lực đó, cộng với sự xuất hiện của xổ số điện toán Vietlott đã tạo nên “cuộc chiến” được dự báo sẽ còn nóng hơn trong ngành xổ số…
Vietlott bị tố gây xáo trộn thị trường xổ số. Vietlott bị tố gây xáo trộn thị trường xổ số.

“Nhảy lô tô” vì chỉ tiêu ngân sách…

Theo Thông tư số 107/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính: Nguồn thu XSKT của các tỉnh không đưa vào cân đối thu, chi ngân sách địa phương mà được quản lý qua NSNN. Nó được hiểu nôm na là “nguồn thu khác”, mỗi năm vẫn phải nộp vào ngân sách địa phương, nhưng không đưa vào cân đối chung. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh sẽ ra nghị quyết phân bổ những nguồn này vào các lĩnh vực đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, theo quy định trong Luật Ngân sách mới, từ năm 2017, nguồn thu từ XSKT bắt buộc phải đưa vào hạch toán ngân sách, cân đối chung để gom về một mối do trung ương điều tiết.

Từ đây, các địa phương đang lo sốt vó bởi nguồn thu từ XSKT trước giờ luôn chiếm tỉ trọng lớn trong thu ngân sách hằng năm. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2016, 21 Cty XSKT phía nam đã nộp ngân sách lên tới 17.283 tỉ đồng, đạt 93,99 kế hoạch.

Lấy ví dụ tại Hậu Giang, trong năm 2015, Cty XSKT tỉnh này nộp ngân sách 570 tỉ đồng, trong khi nguồn thu khác là hơn 950 tỉ đồng. Như vậy, chỉ mỗi nguồn thu từ XSKT đã chiếm hơn 50% nguồn thu còn lại.

Ngoài việc đưa vào hạch toán, cân đối; chỉ tiêu được phân bổ cho các Cty XSKT theo quy định mới cũng tăng cao. Tại Cần Thơ, trong năm 2016, ngành XSKT được giao chỉ tiêu nộp ngân sách 950 tỉ đồng và theo kế hoạch phấn đấu sẽ nộp 1.050 tỉ đồng.

Dự kiến trong năm 2017, chỉ tiêu được “áp” cho đơn vị này phải nộp là bằng mức phấn đấu của năm trước - tức 1.050 tỉ đồng. Con số này gần như đã chạm đến mức khả năng cao nhất, đòi hỏi Cty phải nỗ lực phấn đấu hết mình mới đạt được.

Bà Nguyễn Ngọc Thúy - Tổng Giám đốc Cty XSKT Bạc Liêu cho biết, dự kiến trong năm 2017, chỉ tiêu nộp ngân sách của Cty được Bộ Tài chính giao là 1.000 tỉ đồng, con số này rất khó đạt được. Nếu đưa vào cân đối mà không hoàn thành chỉ tiêu sẽ phát sinh nhiều rắc rối, thậm chí là nguy hiểm vô cùng.

Đồng quan điểm trên, ông Cao Thanh Tùng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty XSKT Hậu Giang cho biết thêm: Nếu chỉ tiêu cứ tăng mỗi năm thì khó lòng đạt được, bởi thị trường hiện nay đã ở mức “bão hòa”, không thể tăng trưởng được nữa, thêm vào đó, nhiều loại hình xổ số khác cũng đang cạnh tranh gay gắt. Do vậy, việc giao chỉ tiêu cần tính đến tình hình thực tế của các địa phương.

Vietlott bị tố gây xáo trộn thị trường

Áp lực từ việc tăng chỉ tiêu nộp ngân sách, các Cty XSKT còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi sự xuất hiện của xổ số điện toán Vietlott. Và theo nhận định của ngành XSKT thì hoạt động của Vietlott là không đúng quy định, gây khó khăn và làm ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh khu vực phía nam.

"ngày 4.10 vừa qua, Hội đồng XSKT miền Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nói về những sai phạm của Vietlott; qua đó đề nghị, bộ này xem xét, chấn chỉnh hoạt động xổ số điện toán.   "

Vấn đề này càng trở nên nóng hơn khi tại “Hội nghị thường niên lần thứ 108” vừa diễn ra tại cần Thơ; Hội đồng XSKT khu vực miền Nam đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong kinh doanh của Vietlott.

 Cụ thể, một số hộ và đại lý xổ số điện toán tại TPHCM đưa ra vé số tự chọn số điện toán in sẵn đưa về bán tràn lan trên địa bàn một số tỉnh, TP chưa triển khai thiết bị đầu cuối, làm thất thu ngân sách các địa phương. Ngay cả Trà Vinh, địa phương vừa có người trúng giải đặc biệt hơn 92 tỉ đồng cũng chưa có thiết bị đầu cuối, nhưng vé vẫn được bán tràn lan.

Ngoài ra, xổ số điện toán in sẵn các cặp số đưa đi bán dạo là không đúng quy định với đặc điểm của loại hình xổ số tự chọn điện toán, làm mất quyền tự chọn của người mua vé và không khác gì vé xổ số truyền thống. Ngoài ra, loại vé này được bán dạo với giá 12.000 đồng/vé, vượt mệnh giá 2.000 đồng đã gây hoang mang, bức xúc và thiệt thòi cho các đại lý và người bán vé số truyền thống. Đặc biệt là không đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cùng sự phát triển giữa các loại hình xổ số. Bên cạnh đó, xổ số điện toán của Vietlott đã quảng cáo nội dung không rõ ràng, gây phản cảm khi treo biển tại các điểm bán là “xổ số kiểu Mỹ”; hoặc khẳng định: Loại hình này sẽ dần thay thế xổ số truyền thống...

Xổ số truyền thống tăng chỉ tiêu nộp ngân sách, thêm độ nóng từ Vietlott ảnh 1

Đỉnh điểm của vụ việc là ngày 4.10 vừa qua, Hội đồng XSKT miền Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nói về những sai phạm của Vietlott; qua đó đề nghị, bộ này xem xét, chấn chỉnh hoạt động xổ số điện toán.

Trước những chỉ trích này, ông Nguyễn Thanh Đạm - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cho rằng: "Ngay sau khi nhận được văn bản của Hội đồng XSKT miền Nam, Cty đã có văn bản phản hồi. Chúng tôi không hề có chủ trương, thậm chí cấm truyền thông quảng cáo Cty không được so sánh với XSKT. Tuy nhiên có một số đại lý đã tự ý treo biển quảng cáo “Xổ số kiểu Mỹ” cho người dân biết".

Theo ông Đạm, xuất phát từ nhu cầu của người chơi, nhiều người đã đến đại lý mua vé sau đó mang đi bán lại với mức chênh lệch vài ngàn đồng. Riêng Cty luôn tuân thủ và giám sát chặt chẽ hoạt động của các đại lý để đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Ông Đạm cũng kiến nghị các địa phương cần vào cuộc để xử phạt những đối tượng sai phạm này.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ luôn lắng nghe những ý kiến cũng như những khó khăn của các Cty để tìm giải pháp tháo gỡ.

Ông Dương đề nghị Cty Vietlott ngoài việc gửi văn bản chỉ đạo hoạt động các đại lý, cần phải có những giải pháp thực tế và quyết liệt hơn, để qua đó, đảm bảo sự phát triển hài hòa, lành mạnh giữa 2 loại hình xổ số điện toán và XSKT.

Theo Lao Động

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục