Xin ý kiến Quốc hội việc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài

Sáng 25/10, Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương trước Quốc hội.       
Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Luật có tên “Quản lý ngoại thương” với ý nghĩa quan trọng là đạo luật quy định các công cụ quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương, điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa nhà nước và thương nhân, sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước về ngoại thương, không điều chỉnh đối với các hoạt động ngoại thương giữa thương nhân với thương nhân cũng như không điều chỉnh các khái niệm, hoạt động ngoại thương đang được quy định tại Luật Thương mại.

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng gồm 8 chương với 114 điều, quy định về các biện pháp hành chính, các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương, các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về ngoại thương…

Đáng chú ý, đối với vấn đề tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến theo hai phương án:

Phương án 1: Chính phủ thống nhất cho rằng không nên quy định nội dung này tại Dự thảo Luật trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo nguyên tắc thống nhất đối ngoại, phù hợp với chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế và Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước và kinh tế nước ta còn khó khăn.

Phương án 2: Tiếp thu ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cần thiết có quy định về tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Dự thảo Luật nhằm thể hiện rõ trách nhiệm, ví trí, vai trò của tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phát triển ngoại thương trong hỗ trợ, giúp đỡ các hiệp hội, ngành hàng của Việt Nam đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại trên thị trường thế giới. Chính phủ sẽ quy định chi tiết cơ chế thành lập, hoạt động của các tổ chức này theo hướng xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sau khi nghe Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý ngoại thương.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục