Nếu định giá doanh nghiệp, Xiaomi đạt mức 45 tỷ USD, cao hơn cả LG, Motorola và Sony cộng lại. Nhưng hơn hết, Xiaomi đang sở hữu một giấc mơ có thực là trở thành hãng sản xuất điện thoại số 1 thế giới trong tương lai rất gần!
Cả thế giới “phải biết”
Xiaomi lạ, nhưng chỉ lạ với khách hàng ở những thị trường dùng ngôn ngữ bằng ký tự Latin. Còn đối với thị trường Trung Quốc, thương hiệu này đã từ lâu tạo dấu ấn với dòng sản phẩm điện thoại di động Mi2S. Đây là điện thoại thông minh được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc.
Xiaomi bắt đầu được biết đến vào quý II/2014 khi vượt Samsung về thị phần trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, với lượng bán ra chiếm 14% toàn thị trường, trong khi Samsung hay Lenovo và Yulong cũng chỉ bán được 12%.
"Ngành công nghệ chưa chứng kiến hiện tượng nào như Xiaomi. Từ giờ trở đi, mỗi bước đi của chúng tôi sẽ viết một trang mới trong lịch sử của ngành công nghệ", CEO của Xiaomi, Lei Jun, viết trên trang Weibo cá nhân.
Xiaomi là một câu chuyện kỳ diệu. Thành lập vào năm 2010, đến năm 2013, Xiaomi chỉ chiếm 2% thị phần điện thoại thông minh thế giới. Tuy nhiên, công ty này đang dần trở thành một tay chơi đáng gờm trên thị trường này bằng lối đi khác với các công ty công nghệ khác về mọi mặt.
Trước tiên, Xiaomi không phải là một công ty đại chúng, mà được sở hữu bởi người sáng lập Lei Jun, một vài giám đốc và một số nhà đầu tư bên ngoài. Thứ hai, Xiaomi tính giá sản phẩm theo cách hoàn toàn khác: rất gần giá thành sản xuất và lãi nhờ dịch vụ và ứng dụng bán trên store riêng của hãng (MiMarket). So với một chiếc Samsung Galaxy hay iPhone giá 650 USD (khoảng 13 triệu đồng), một chiếc điện thoại Xiaomi chạy Android có giá chỉ từ 100 - 400 USD (2 - 8 triệu đồng).
Điểm khác biệt thứ ba và cũng là điểm quan trọng nhất theo như người đồng sáng lập Wanqiang Li, “vũ khí bí mật của Xiaomi chính là khách hàng”.
Chiến thuật lấy lòng
Một báo cáo của Công ty nghiên cứu Bernstein Research chỉ ra rằng, vũ khí bí mật của Xiaomi để lên nhanh như thế là một lực lượng fan hùng hậu và trung thành.
Nếu fans của Apple có thể bất kể thời tiết xếp hàng cả (vài) ngày đợi một sản phẩm mới, thì fans của Xiaomi là một đẳng cấp khác. Họ có fanclub, có tên riêng (Mi-fans) và vào “ngày hội Mi-fan”, Xiaomi tổ chức các chiến dịch tiếp thị đặc biệt và cho ra lò các sản phẩm mới.
Dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập, Xiaomi đã bán được 170.000 con thỏ bông Xiaomi - linh vật rất được yêu thích của hãng điện thoại này. Năm 2014, doanh số trong riêng ngày hội fan lên tới 243 triệu USD, một kỷ lục tại Trung Quốc.
Theo Bernstein Research, không phải cứ tiêu nhiều tiền cho tiếp thị là có được thành công như thế. Samsung dành 8% doanh thu cho tiếp thị, trong khi Xiaomi chỉ dành 3,2%, nhưng theo một cách khôn ngoan hơn.
Xiaomi thường xuyên tương tác với fans qua các mạng xã hội và chủ động tiếp thu đóng góp của fans khi đổi mới sản phẩm. Xiaomi còn thi thoảng có những buổi giảm giá rất nhanh (flash sales) và tặng sản phẩm cho những fans trung thành nhất.
“Xiaomi không chỉ bán sản phẩm, mà bán cả cảm giác được là một phần của cái gì đó lớn hơn". Nói theo các nhà phân tích trong ngành, thì là bán cả một lối sống.
Bên cạnh vũ khí lớn nhất này, Xiaomi cũng chú trọng vào bán hàng online để giảm chi phí (khoảng 70% sản phẩm của Xiaomi được bán online). Ngoài ra, công ty này cũng dùng chiến lược tiếp thị “cho đói”, nghĩa là để khách hàng đợi vài ngày rồi mới ship hàng để tạo ra ảo tưởng khan hiếm. Theo Bernstein, chiến lược này càng hút fans hơn.
Tham vọng chiếm vị trí số 1 trên thị trường thế giới
Cuối năm 2014, Xiaomi tấn công thị trường Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bằng các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng, dự kiến sẽ có mặt tại nhiều thị trường khác trong năm nay và bán tổng cộng 100 triệu sản phẩm trên toàn thế giới. Xiaomi cũng dự định sẽ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh có thị phần lớn nhất thế giới trong 5 - 10 năm nữa.
Tất nhiên, Xiaomi cũng thừa nhận công ty đang gặp những thách thức lớn. Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, các đối thủ Huawei và Lenovo đang bắt kịp Xiaomi, trong khi việc mở rộng ra các thị trường phương Tây chưa chắc đã thành công. Tuy nhiên, Xiaomi cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới để vượt qua những thử thách này. Hiện tại, Công ty đã để dành 1 tỷ USD để đầu tư vào nội dung Internet TV để chạy trên những chiếc miTV với hy vọng nó sẽ có mặt tại các ngôi nhà trên khắp thế giới.