Vỡ kế hoạch sớm, PVN bổ sung hai kịch bản kinh doanh với giá dầu thấp

(ĐTCK) Hai kịch bản kế hoạch tài chính tương ứng với các phương án kinh doanh ở từng mốc giảm dự kiến sâu hơn của giá dầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục bổ sung trong các phương án kinh doanh vừa được nêu ra tại cuộc họp Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015 của PVN diễn ra cuối tuần qua.
Vỡ kế hoạch sớm, PVN bổ sung hai kịch bản kinh doanh với giá dầu thấp

Cùng với 2 kịch bản mới bổ sung này, tính đến thời điểm hiện tại, PVN đã xây dựng trong kế hoạch tài chính toàn tập đoàn năm 2015 thêm 2 phương án giá dầu cụ thể với ngưỡng dự kiến thấp nhất hạ xuống 40 – 50 USD/thùng cho đến mức cao nhất là 100 USD/thùng. Theo đó, ở mức giá dầu thấp nhất dự kiến là 40 USD/thùng, tổng doanh thu Tập đoàn dự kiến đạt 434,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 79,8 nghìn tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính hợp nhất ở phương án xấu nhất này lần lượt là: tổng doanh thu 158,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 25,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,3 tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ Tập đoàn 20,3 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 9,9 nghìn tỷ đồng.

Ở mức giá 50 USD/thùng, tổng doanh thu toàn Tập đoàn dự tính đạt 472,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 93,1 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu công ty mẹ Tập đoàn 25,4 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 12,4 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với phương án giá dầu cao nhất là 100 USD/thùng, nếu giá dầu tiếp tục rơi xuống 40 USD/thùng theo dự kiến của PVN, thì tổng doanh thu toàn Tập đoàn có thể giảm tới hơn 280 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm khoảng 23,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tổng doanh thu công ty mẹ giảm hơn một nửa, khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 14 nghìn tỷ đồng. Đây là mức giảm khá lớn so với những phương án mà PVN tính toán trước đó.

Mặc dù các phương án tính toán về doanh thu và lợi nhuận đưa ra giảm mạnh, song các chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, PVN vẫn giữ nguyên không thay đổi so với kế hoạch được giao trước đó. Cụ thể, Tập đoàn vẫn nỗ lực đạt sản lượng gia tăng trữ lượng 35 - 40 triệu tấn dầu quy đổi, khai thác dầu thô đạt 16,8 triệu tấn, khai thác khí đạt 9,98 tỷ m3. Đáng chú ý, PVN đặt mục tiêu phấn đấu vượt kế hoạch được Chính phủ giao toàn Tập đoàn đối với sản xuất điện là 0,8 tỷ KWh, đạm vượt 37 nghìn tấn, xăng dầu vượt 116 nghìn tấn, khai thác khí vượt 0,18 tỷ m3, đặc biệt vốn đầu tư thực hiện 116,8 nghìn tỷ đồng, vượt 17,6 nghìn tỷ đồng so với mức Chính phủ giao là 99,2 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch PVN, đây là nỗ lực lớn của PVN thể hiện quyết tâm hoàn thành kế hoạch 10 năm thực hiến Chiến lược phát triến ngành dầu khí Việt Nam, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 trong năm bản lề cuối cùng 2015 và đảm bảo thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Đánh giá về tình hình năm 2015, ông Sơn cho rằng, đây sẽ là một năm rất nhiều thách thức đối với PVN cũng như hầu hết các đơn vị thành viên của Tập đoàn, do tình hình kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, diễn biến trên biển Đông còn phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp bởi xu thế giảm của giá dầu thế giới. Theo ông Sơn, trên cơ sở phân tích các nghiên cứu dự báo của các tổ chức quốc tế về diễn biến giá dầu thế giới, PVN dự báo giá dầu trong năm 2015 sẽ có nhiều dao động bất thường, thậm chí có thời điểm có thể rơi xuống mức thấp kỷ lục khoảng 30 USD/thùng. Cụ thể, theo dự báo mới nhất của PVN, quý I/2015, giá dầu có thể giảm xuống dưới mức 40 USD/thùng, quý II duy trì ổn định ở mức 40 - 50 USD/thùng, song đến cuối quý II, giá dầu tiếp tục lao dốc và có thể xuyên thủng ngưỡng 30 USD/thùng, sang quý IV mới có thể tăng lên 60 – 70 USD/thùng. Với mức dự báo này, nếu so với mức chi phí giá thành trung bình khai thác dầu tại phần lớn các mỏ của PVN dao động trong khoảng 30 - 37 USD/thùng hiện nay, thì Tập đoàn vẫn có thể trụ vững và vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch được giao.

Tuy nhiên, để sẵn sàng đối phó với các kịch bản xấu nhất khi giá dầu rơi sâu xuống dưới mức giá thành sản xuất, ông Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, toàn Tập đoàn tiếp tục công tác rà soát chi phí nghiệp vụ và cắt giảm tối đa chi phí thuê ngoài, tiết giảm 20 - 30% chi phí biến đổi thường xuyên trong cơ cấu giá thành dịch vụ, nâng cao quản trị DN, quản trị rủi ro, điều hành. Rà soát các giếng khoan khai thác, các lô, để có quyết sách khai thác các giếng có hiệu quả cao, giá thành tốt, nhằm bù đắp cho việc giảm sản lượng tại các mỏ nhỏ, đảm bảo gia tăng trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ mới vào khai thác trong năm 2016 - 2017 khi giá dầu tăng. Bên cạnh đó, theo ông Sơn, PVN cũng sẽ tập trung tìm kiếm cơ hội tốt để phát triển mua thêm dự án mỏ để chuẩn bị khai thác khi giá dầu tăng trở lại.

Liên quan kế hoạch đầu tư của PVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu toàn Tập đoàn phải phấn đấu giữ tiến độ đầu tư đối với các dự án do tiến độ đầu tư 2014 chưa đạt kế hoạch, đồng thời không tạm hoãn, giãn khâu thăm dò khai thác, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Tập đoàn năm 2015.

“Các khó khăn về giá dầu chỉ mang tính giai đoạn, nên PVN phải tìm mọi giải pháp đặc biệt và phối hợp với các bộ, ngành kiên quyết không lùi các mục tiêu và tiến độ thăm dò khai thác, đảm bảo giữ vững mục tiêu gia tăng trữ lượng dự phòng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời gợi ý, PVN có thể tính tới việc tăng vay trong nước để đảm bảo vốn đầu tư cho các dự án quan trọng trong điều kiện khó khăn về vốn hiện nay.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục