Xi măng còn đó nỗi lo dư cung

Sau 1 năm không có thêm dự án mới nào được đưa vào vận hành, năm 2019, theo kế hoạch, ngành xi măng chỉ có thêm Dự án Xi măng Tân Thắng, công suất 2 triệu tấn/năm, sẽ hoàn thành đầu tư và ra hàng vào năm 2020.
Dự án Xi măng Tân Thắng đang tích cực xây dựng để đi vào sản xuất năm 2020. Dự án Xi măng Tân Thắng đang tích cực xây dựng để đi vào sản xuất năm 2020.

Điểm mặt dự án sắp đưa vào vận hành

Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng, công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm, được xây dựng tại huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), theo kế hoạch sẽ đưa vào vận hành cuối năm nay và ra hàng vào đầu năm 2020.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 4.544 tỷ đồng, trong đó, phần vốn vay là 3.150 tỷ đồng, đã được 2 ngân hàng BIDV và Bắc Á cam kết giải ngân từ năm 2015.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng, Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Thời điểm này, tại công trường, các hạng mục cuối cùng của Dự án đang được triển khai để đảm bảo tiến độ và quyết tâm đưa Dự án vào vận hành cuối năm 2019.

Ban đầu, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành Dự án vào cuối năm 2017, nhưng vì sức ép tiêu thụ với một nhà máy mới, đặt trong tình hình thị trường xi măng dư cung trên 30 triệu tấn, nên Xi măng Tân Thắng đã điều chỉnh thời điểm đầu tư xây dựng để giảm áp lực kinh doanh.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Dự án xi măng Tân Thắng hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành trong năm 2019 và thương mại sản phẩm từ năm 2020, sẽ nâng công suất của ngành lên 101 triệu tấn với 83 dây chuyền xi măng lò quay.    

Lãnh đạo Công ty Xi măng Tân Thắng cũng cho biết, trong bối cảnh nguồn cung xi măng lớn như thời gian qua thì việc lùi tiến độ “ra hàng” là cần thiết, dù các công tác chuẩn bị đầu tư đều được triển khai kỹ càng, trong đó có đàm phán hợp đồng gói mua sắm dây chuyền sản xuất với 14 nhà thầu quốc tế. Các nhà thầu đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới. Công ty đã lựa chọn được 5 nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ cho dự án có xuất xứ từ EU.

Để chuẩn bị bộ máy nhân sự phục vụ vận hành sản xuất, kinh doanh, trong tháng 4/2019, Công ty Xi măng Tân Thắng bắt đầu tuyển dụng nhân sự và đào tạo cho khối nhà máy và khối văn phòng.

Cung vượt cầu hơn 30 triệu tấn

Năm 2018 được xem là năm thành công của ngành xi măng, khi sản lượng tiêu thụ đạt 97 triệu tấn, thị trường cũng không có thêm một nhà máy mới nào được đưa vào vận hành.

Việc không có thêm dự án mới nào được đánh giá là phù hợp với dự báo của ngành, căn cứ trên số lượng các dự án đã, đang và chuẩn bị đầu tư.

Sang năm 2019, cùng với Xi măng Tân Thắng, ngành xi măng có một số dự án trong thời kỳ đầu tư, đều có quy mô công suất lớn đang triển khai. Trong đó, Xi măng Sông Lam dây chuyền 3 và 4 (giai đoạn II) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm tại Nghệ An, dự kiến năm 2020 hoàn thành; dây chuyền 2 của Xi măng Fico Tây Ninh, gồm 1 lò nung clinker công suất thiết kế 4.000 tấn/ngày, tương đương 1,26 triệu tấn/năm (có khả năng nâng cấp lên 5.000 tấn/ngày) và 1 công đoạn nghiền xi măng công suất 1 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành xi măng Việt Nam đang có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp khô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia.

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong năm 2018, sản phẩm xi măng tiêu thụ đạt khoảng 96,73 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 65,08 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017.

Đặc biệt, xuất khẩu sản phẩm xi măng trong năm 2018 đạt khoảng 31,65 triệu tấn, tăng tới 55% so với năm 2017.

Với quy mô công suất cả trăm triệu tấn xi măng, mà thị trường trong nước chỉ hấp thụ được 65-67 triệu tấn/năm, thì sản lượng xi măng sản xuất vượt so với nhu cầu trong nước khoảng 30 triệu tấn. 

Năm qua, sở dĩ ngành xi măng có một năm bán hàng thành công ngoài mong đợi là do xuất khẩu đã tiêu thụ giúp gần 32 triệu tấn. Nhưng tại thị trường nội địa, các nhà sản xuất đều phải chật vật bán hàng, bởi một địa bàn, nhưng có quá nhiều nhà sản xuất và sản lượng lớn, như Thanh Hóa với quy mô 20 triệu tấn, Hà Nam 17 triệu tấn, Ninh Bình hơn 10 triệu tấn. Nghệ An, nơi đóng đô của Xi măng Tân Thắng cũng có quy mô công suất khủng với hơn 12 triệu tấn…

Tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu xi măng hiện vẫn diễn biến tốt. 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker tại thị trường nội địa và xuất khẩu ước đạt 23,08 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng, chỉ cần thị trường xuất khẩu có biến động, câu chuyện dư cung ngành xi măng sẽ bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Khi đó, các nhà máy đối mặt với tình trạng gia tăng tồn kho, buộc phải bán phá giá để cạnh tranh tiêu thụ.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục