Xi măng, clinker lập kỷ lục xuất khẩu: Vui hay buồn?

29 triệu tấn xi măng, clinker đã được xuất khẩu trong 11 tháng, nhưng ngành xi măng đang xuất khẩu với giá thấp hơn giá bán trong nước.
Thực tế, trong khi không chủ động được với giá xuất khẩu thì các nhà sản xuất xi măng lại đối mặt với việc tăng chi phí đầu vào

Xuất khẩu lập kỷ lục

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2018, tổng lượng xi măng, clinker xuất khẩu đạt hơn 29 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, tăng 66% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Con số 29 triệu tấn sản phẩm xuất khẩu cũng là kỷ lục của ngành xi măng Việt Nam từ trước tới nay.

Trung Quốc, Bangladesh, Philippines vẫn là 3 thị trường xuất khẩu xi măng chủ lực của Việt Nam với hơn 20 triệu tấn, chiếm gần 72% tổng lượng xi măng xuất khẩu. Trong đó, lượng clinker và xi măng xuất khẩu sang Trung Quốc 11 tháng đạt 8,7 triệu tấn, trị giá hơn 321 triệu USD.

Lượng xi măng xuất khẩu sang Bangladesh đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 206 triệu USD. Đây cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang thị trường này. Tại Philippines, lượng xi măng xuất khẩu 11 tháng hơn 6 triệu tấn, với trị giá hơn 282 triệu USD.

Ngoài ra, thị trường Đài Loan cũng nhập khẩu một lượng lớn xi măng của Việt Nam với hơn 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 50 triệu USD. 

Xuất khẩu xi măng, clinker đã chứng kiến mức tăng phi mã kể từ năm 2017 đến nay. Trong năm 2017, xuất khẩu đạt 21 triệu tấn và đến nay, tổng lượng xi măng xuất khẩu đã vượt xa kế hoạch của cả năm 2018.

Nguyên nhân của tăng xuất khẩu xi măng, clinker là do tác động điều chỉnh chính sách của Trung Quốc, khi cho đóng cửa một loạt nhà máy xi măng gây ô nhiễm, từ nước xuất khẩu chuyển sang nước nhập khẩu clinker, đặc biệt là nhập từ Việt Nam, dẫn đến sản lượng clinker xuất đi tăng đột biến.

Soi giá xuất khẩu xi măng, clinker 

Với lượng xi măng, clinker đã xuất khẩu trong 11 tháng qua, nếu chia trung bình, giá xuất khẩu chưa tới 40 USD/tấn.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp đạt sản lượng tiêu thụ trên 29 triệu tấn trong năm 2018 cho biết, so với giá bán trong nước, giá xuất khẩu không như kỳ vọng, đặc biệt là clinker.

“Nhận thấy sự không bền vững của xuất khẩu clinker (xuất thô), nên Vicem hạn chế tối đa đơn hàng xuất khẩu clinker, mà tập trung vào xuất xi măng, 70% trong tổng sản lượng xuất khẩu của Vicem trong năm qua là xuất xi măng”, ông Minh nói.

Nhìn vào giá xuất khẩu thời gian trước đó còn tệ hơn. Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), giá xuất khẩu FOB clinker năm 2016 dao động từ 35 - 40 USD/tấn, đến đầu năm 2017 chỉ còn  27 - 28 USD/tấn. Tương tự, với xi măng cũng giảm từ 55 USD/tấn xuống còn 50 USD/tấn

Giá xuất khẩu chỉ tăng trở lại vào cuối năm 2017 với mức tăng 5 USD/tấn và không biến động tăng trong năm 2018.

Trong khi đó, theo hồ sơ kê khai giá tại một số công ty xi măng thuộc Vicem, giá bán trong nước trung bình của xi măng bao PCB30 dao động từ 1,24 - 1,31 triệu đồng/tấn, giá xi măng bao PCB40 từ 1,03 - 1,51 triệu đồng/tấn.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA nhận định,  xuất khẩu tăng đột biến và giá xuất khẩu được điều chỉnh nhích lên so với mức giảm của đầu năm 2017, nhưng sự thay đổi này sẽ diễn biến thế nào đang là việc mà các nhà xuất khẩu Việt Nam phải chờ đợi.

Đại diện Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, các đối tác nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam dùng nhiều chiêu để ép giá, trong một số thời điểm đã xuất hiện tình trạng tranh bán với giá không như mong đợi giữa một số doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này mang lại sự gia tăng về sản lượng xuất khẩu, nhưng về giá lại không có lợi cho ngành xi măng cũng như nền kinh tế.

Và còn một thực tế, trong khi không chủ động được với giá xuất khẩu thì các nhà sản xuất xi măng lại đối mặt với việc tăng chi phí đầu vào (giá than, điện… đang tăng).

Dự báo thị trường trong năm 2019, ông Bùi Hồng Minh cho rằng, sẽ có nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là đối mặt với cạn khả năng tăng trưởng. Ngành xi măng đã chạy hết công suất, thậm chí năm 2018 đã vượt công suất, nên rất lo cho năm 2019. Bên cạnh đó là nối lo thiếu than cho sản xuất.

“Ngành điện lớn thế còn kêu thiếu than, huống hồ xi măng, nên chúng tôi rất lo than cho sản xuất. Năm 2018, Vicem phải lo than từ bên ngoài, khi nhập khẩu thì phải chấp nhận biến động giá theo thị trường thế giới, nên chi phí sản xuất xi măng đã bị đội lên, rất mệt cho doanh nghiệp trong cân đối hiệu quả kinh doanh”, ông Minh nói.

Khoảng 30 triệu tấn xi măng, clinker được xuất khẩu đi, thu về hơn 1 tỷ USD, nhưng cũng đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường ở lại. Đây là ngành thâm dụng tài nguyên, càng xuất khẩu nhiều cũng tỷ lệ thuận với khai thác đá vôi, sét, năng lượng (điện, than…). Trong khi đó, nền kinh tế trong năm 2019 đối mặt với thiếu hụt than và điện. Vì vậy, tiếp tục chạy hết công suất, tăng xuất khẩu, hay điều chỉnh để có tính bền vững là một bài toán cần tính đến của ngành xi măng.

Miền Bắc tiêu thụ xi măng nhiều nhất
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại miền Bắc, thị phần tiêu thụ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn quốc.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, thị phần tiêu thụ chiếm khoảng 26% tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn quốc.
Tại miền Nam, thị phần tiêu thụ chiếm khoảng 34% tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn quốc.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục