Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 2018 (Kỳ 1): Cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may thắng lớn

(ĐTCK) Điểm số chung của thị trường chứng khoán đang thấp hơn mức đầu năm, nhưng không ít cổ phiếu tăng giá mạnh, tập trung vào nhóm ngành dệt may, thủy sản, bất động sản… 
Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 2018 (Kỳ 1): Cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may thắng lớn

Kỳ 1: Cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may thắng lớn

Bối cảnh xuất khẩu thuận lợi đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản có một năm 2018 kinh doanh thành công, cổ phiếu đem lại mức sinh lời ấn tượng cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp này có khả năng duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019. 

Cổ phiếu thủy sản: ACL, CMX, ANV, VHC tăng bằng lần

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/12/2018 tại 33.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang đã tăng giá gấp 4 lần kể từ đầu năm, thậm chí có thời điểm, mức tăng giá lên đến gần 5 lần.

2018 có thể xem là một năm kinh doanh thành công với ACL, thị trường xuất khẩu cá tra thuận lợi cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán đã giúp Công ty thu về lợi nhuận sau thuế 147,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gần gấp 7 lần cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng quý III/2018, lợi nhuận của ACL đạt 96,2 tỷ đồng, gấp 12,4 lần cùng kỳ.

Với kết quả này, ACL đã thực hiện vượt 320% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 và đang đứng trước khả năng đạt thành tích lợi nhuận năm lớn nhất kể từ khi niêm yết. Kết quả kinh doanh tích cực, ACL vừa tạm ứng cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, sau 2 năm không chia cổ tức.

3 cổ phiếu khác đạt tỷ suất sinh lợi trên 100% cho nhà đầu tư trong năm nay là CMX của Công ty cổ phần Camimex Group, ANV của Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt và VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Ở mức thấp hơn, cổ phiếu MPC của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, ABT của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre, FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao ta và AAM của Công ty cổ phần Thủy sản Mê Kông đem lại tỷ suất sinh lời hàng chục phần trăm.

VHC - doanh nghiệp dẫn đầu về giá trị xuất khẩu cá tra đã liên tục công bố các kỷ lục tháng về giá trị xuất khẩu trong năm 2018. Sau 11 tháng, giá trị xuất khẩu của VHC đạt 348 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Trước đó, VHC báo lãi sau thuế trong 9 tháng đầu năm gấp 2,5 lần cùng kỳ và vượt 67% kế hoạch cả năm.

Với “vua tôm” MPC, riêng tháng 10/2018, sản lượng xuất khẩu đạt 7.546 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Luỹ kế 10 tháng, sản lượng xuất khẩu đạt 55.337 tấn, tăng 20%, giá trị các hợp đồng xuất khẩu đã ký đạt 738,3 triệu USD, tăng 7,6%. MPC đang hướng đến lập kỷ lục xuất khẩu trong năm 2018 với mục tiêu 800 triệu USD.

Một số doanh nghiệp khác có lợi nhuận tăng trưởng mạnh là ABT lãi sau thuế 55 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt 25% mục tiêu cả năm; tương tự, ANV lãi sau thuế trong 9 tháng gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2017. Mới đây, ANV cho biết, sau 11 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 579 tỷ đồng, đến cuối năm có thể đạt 600 tỷ đồng.

Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 2018 (Kỳ 1): Cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may thắng lớn ảnh 1

 Mức sinh lời của một số cổ phiếu thủy sản, dệt may năm 2018.

Cổ phiếu dệt may: Hiệu quả lớn trong nửa cuối năm

Động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu dệt may có đóng góp đáng kể từ bối cảnh ngành khả quan, đơn hàng dồi dào, giúp kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bứt phá.

Cùng với đó, bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết cũng đem đến kỳ vọng tăng trưởng đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới.

Kết thúc nửa đầu năm 2018, cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vẫn giao dịch khá ảm đạm quanh vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến nay, thị giá TNG ghi nhận chuỗi tăng giá mạnh, tiến sát ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu. Dòng tiền đổ vào tích cực, giúp thanh khoản cổ phiếu tăng lên trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Với 228 chuyền may, TNG hiện là một trong các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, chuyên thực hiện hợp đồng gia công cho các nhãn hàng lớn như Decathlon, The Children’s Place… Kết thúc 11 tháng năm 2018, doanh thu của TNG đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 163,4 tỷ đồng, tăng 52% và vượt xa kế hoạch 127 tỷ đồng đề ra cho cả năm.

TNG cho biết, công tác đơn hàng có nhiều điều kiện thuận lợi, tìm kiếm được các đơn hàng số lượng lớn, dòng sản phẩm phù hợp với thế mạnh là những nguyên chính làm tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo phân tích tháng 11/2018 của Công ty Chứng khoán MB dự báo, cả năm 2018, TNG có thể đạt doanh thu 3.596 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 168,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 47% so với năm 2017.

Tại Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), kết thúc 11 tháng năm 2018, TCM đạt doanh thu khoảng 3.400 tỷ đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ trích lập dự phòng cho các khoản phải thu từ khách hàng Sears nộp đơn phá sản và diễn biến tỷ giá USD/VND bất lợi, nhưng TCM vẫn thu về 213,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 13% kế hoạch năm.

Trong trường hợp của Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH), doanh nghiệp lên niêm yết cuối tháng 11/2018, mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm là hơn 100% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng quý III/2018, MSH thu về 129 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước, ghi nhận quý có lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lũy kế 9 tháng đầu năm, MSH thực hiện vượt 18,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ngoài tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận dựa vào tăng đơn hàng từ đối tác, một điểm tích cực với các doanh nghiệp dệt may hiện nay là xu hướng chuyển dịch sản xuất từ các công đoạn cắt, may có giá trị gia tăng thấp sang tự chủ cung ứng nguyên vật liệu để sản xuất đơn hàng, thậm chí tham gia thiết kết sản phẩm - các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện. Đây sẽ là yếu tố quan trọng tạo ra lợi nhuận bền vững hơn và tăng lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. 

Triển vọng năm 2019

Triển vọng duy trì tăng trưởng của các doanh nghiệp dệt may, thủy sản trong năm 2019 đang được đánh giá là rất sáng, với động lực quan trọng đến từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...

Ngày 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thông qua hiệp định này.

Việc CPTPP dự kiến có hiệu lực từ giữa tháng 1/2019 sẽ mở cánh cửa để các doanh nghiệp dệt may, thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ gần 500 triệu dân (gồm cả Việt Nam), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới, trong đó Nhật Bản, Canada, Australia - những thị trường lớn, nhiều tiềm năng.

Riêng với ngành dệt may, báo cáo phân tích tháng 11/2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: “Trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP sau khi hiệp định này có hiệu lực từ năm 2019”.

Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), với cam kết rộng và cao nhất từ trước tới nay, đang thực hiện các quy trình cuối cùng trước khi ký chính thức (dự kiến đầu năm 2019) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU - 1 trong 2 thị trường lớn nhất của cả doanh nghiệp dệt may và thủy sản.

Đối với thị trường Mỹ, dù chưa tham gia CPTPP, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo điều kiện cho các đơn hàng nhập khẩu dệt may, thủy sản chuyển dịch sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Triển vọng tích cực, nhưng các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không nhỏ. Với ngành thủy sản, đó là nhiều nước đang có xu hướng tăng cường các hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan như chống bán phá giá, chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh..., nhằm bảo hộ sản xuất trong nước khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Với ngành dệt may, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đều có yêu cầu khắt khe về nguyên tắc xuất xứ để được ưu đãi về thuế, trong khi nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ các nước chưa phải là thành viên tham gia hiệp định. Như vậy, để hưởng lợi từ hiệp định, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuyển dịch nguồn nguyên liệu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó là áp lực từ các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính, công nghệ đổ vốn vào Việt Nam và xây dựng nhà máy, cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa tại cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kỳ 2: Cổ phiếu bất động sản bứt phá

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục