Không nhớ rõ chỉ đạo ai, như thế nào
Theo cáo buộc, các bị cáo đã có hành vi ký kết, hạch toán, thanh toán các hợp đồng khống/nâng khống dẫn đến hậu quả là OceanBank phải hạch toán kế toán số tiền không có thật, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 106 tỷ đồng.
Cụ thể, sau một thời gian thực hiện tạm ứng chi tiền lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền với số tiền lớn, không còn nguồn tiền để hoàn ứng, Lê Thị Thu Thủy đã báo cáo Hà Văn Thắm tìm cách giải quyết.
Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Thủy phối hợp với bộ phận PR, Văn phòng và kế toán ký kết, hợp thức 44 hợp đồng (khống/nâng khống) với 19 đối tác trong và ngoài Tập đoàn Đại Dương với nội dung cung cấp thẻ gym, thuê biển quảng cáo, tổ chức hội nghị, in tờ rơi… Tổng giá trị là hơn 133,8 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn Thắm khai, từ 2010 đến 2014, bị cáo là Chủ tịch HĐQT OceanBank. Bị cáo có chỉ đạo nhân viên chi lãi ngoài, nâng khống giá trị hợp đồng. Bị cáo ra chủ trương và chỉ đạo nhân viên chi lãi.
Tuy nhiên, bị cáo không nhớ được đã chỉ đạo những ai, mục đích ký hợp đồng là để tạo ra nguồn tiền chi lãi ngoài. Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận trách nhiệm đã chỉ đạo bị cáo Lê Thị Thu Thủy thực hiện, còn chỉ đạo ai khác thì bị cáo Thắm không nhớ rõ.
Hà Văn Thắm cho OceanBank vay tiền?
Theo kết quả điều tra, OceanBank đã hạch toán kế toán qua các tài khoản thuế GTGT đầu vào, chi phí vật liệu khác; chi xuất bản tài liệu, tiếp thị quảng cáo, tiếp thị khuyến mại không có hóa đơn; chi phí hội nghị; chi phí giao dịch đối ngoại, chi phí thuê tài sản, thanh toán (chuyển khoản) vào tài khoản của các đối tác là 133 tỷ đồng.
Nhận tiền do OceanBank thanh toán, các đối tác đã chuyển trả lại cho OceanBank số tiền hơn 84 tỷ đồng để hoàn ứng chi lãi ngoài và chi lãi ngoài, hoàn ứng chi phí truyền thông, chi đối ngoại…
Số tiền các đối tác có thực hiện tại các hợp đồng là hơn 26,5 tỷ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng là gần 11,5 tỷ đồng, chiếm hưởng là hơn 10,6 tỷ đồng.
Viện kiểm sát nhân dân xác địnhm số thuế GTGT đã nộp cho phần giá trị thực làm là hơn 2,4 tỷ đồng; số thuế GTGT đã nộp cho phần giá trị khống/nâng khống là hơn 9 tỷ đồng.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Thắm đề nghị Tòa án xem xét lại các hợp đồng khống, nâng cao giá trị.
Theo bị cáo Thắm, việc các doanh nghiệp đi thuê mặt bằng cho thuê lại thì giá phải cao hơn. Như việc Tập đoàn Đại Dương (OCG) cho OceanBank thuê mặt bằng trong tòa nhà 21 Láng Hạ, OGC thuê toàn bộ tòa nhà với giá 14 USD/m2, nhưng đó là giá thuê nhà thô, còn phải đầu tư lắp đặt thiết bị…, còn phải cân đối mặt bằng tầng 1 so với các tầng trên, chưa kể có những tầng không cho thuê được, rồi diện tích hành lang không tính vào diện tích cho thuê. Vì thế, giá cho ngân hàng thuê lại là 41 USD/m2.
Trả lời câu hỏi vì sao số tiền lại quay trở lại OceanBank, bị cáo Hà Văn Thắm giải thích, đây là tiền cổ tức của bị cáo. Trong tình hình OceanBank đang khó khăn, bị cáo tạm ứng cổ tức để cho OceanBank vay. Ví dụ, tại CTCP Truyền thông Đại Dương (OMC), bị cáo tạm ứng cổ tức không phải chia cổ tức. Do đây không phải công ty đại chúng, nên các vấn đề này không sai luật.
Ngoài ra, bị cáo Thắm còn đề nghị HĐXX xem xét khoản tiền nộp thuế hơn 11 tỷ đồng trong số khoản tiền mà các doanh nghiệp chiếm hưởng. Nếu tính cả số tiền này vào thiệt hại vụ án, bị cáo đề nghị cơ quan thuế hoàn trả lại số tiền này.
Ngày mai (28/4) phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Các bị cáo bị truy tố cùng với Hà Văn Thắm gồm Lê Thị Thu Thủy (SN 1977, nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank), Vũ Thị Thùy Dương (SN 1980, nguyên Giám đốc Khối Kế toán và giao dịch trong nước OceanBank), Đinh Thị Hồng Hương (SN 1980, nguyên Phó giám đốc Khối Kế toán và giao dịch trong nước), Trần Thị Thu Hồng (SN 1982, nguyên Trưởng Phòng Kế toán nội bộ - Khối Kế toán và giao dịch trong nước), Đào Thị Nhài (SN 1978, nguyên Trưởng Phòng PR – Khối Marketing và quan hệ công chúng), Lê Thị Quyên (SN 1982, nguyên chuyên viên Phòng PR – Khối Marketing và quan hệ công chúng), Hoàng Văn Tuyến (SN 1975, nguyên Kế toán trưởng CTCP Tập đoàn Đại Dương).