Bị cáo Ngô Duy Chính – nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành khai giữ chức vụ Giám đốc từ tháng 9/2003 – 9/2014. Công ty Trung Dũng có quan hệ tín dụng tại chi nhánh Hà Thành từ năm 2007.
Tín dụng ban đầu chỉ 120 tỷ đồng và tăng dần theo thời gian. Đến năm 2011, hạn mức là 700 tỷ đồng. Trước năm 2011, việc thanh toán của Công ty Trung Dũng, chi nhánh tuân thủ theo việc cấp tín dụng mà BIDV đã ban hành. Công ty vay vốn lớn, trả nợ lớn, luôn hoàn thành.
Việc đề nghị cấp hạn mức tín dụng năm 2011 – 2012, khi đó Công ty Trung Dũng được xếp hạng tín dụng hạng A, là khách hàng uy tín của BIDV, luôn vay nợ sòng phẳng, đây là tái cấp hạn mức, chi nhánh chưa nhìn thấy tiềm ẩn rủi ro.
Với vai trò Giám đốc chi nhánh, bị cáo nhận thấy thị trường kinh doanh thép là xấu, gặp nhiều khó khăn; nhưng Chủ tịch (ông Trần Bắc Hà) vẫn phê duyệt nên chi nhánh tiếp tục triển khai.
Tại thời điểm doanh nghiệp đề nghị cấp L/C, chi nhánh đã từ chối và báo cáo Chủ tịch HĐQT. Tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dũng đối với hạn mức 700 tỷ đồng vẫn đang thiếu 50%, L/C không đủ tài sản đảm bảo (tài sản đảm bảo dùng chung cho tất cả các nghĩa vụ).
Về việc quản lý tài sản đảm bảo, Hội sở có yêu cầu chi nhánh phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp giám sát hàng nhập khẩu và hàng đi bán, trên cơ sở đó để thu hồi nợ. Nhân viên chi nhánh đã thực hiện nhưng phần hàng hóa chuyển đi bán thì Công ty Trung Dũng đã có hàng vi gian dối.
Bị cáo thấy bản thân có sai phạm trong việc giải ngân cho Công ty Trung Dũng. Theo bị cáo, ngân hàng cho doanh nghiệp vay, rất chú trọng đến phương án sản xuất kinh doanh, xác định vốn vay và nguồn trả nợ. Với hạn mức 700 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng đã sử dụng hóa đơn có thực để vay vốn, ngân hàng đã chuyển tiền trực tiếp cho khách hàng. Nhưng khi đó chưa đến hạn trả nợ, Công ty Trung Dũng lại dùng cho việc khác.
Bị cáo Nguyễn Xuân Giáp, nguyên Phó giám đốc chi nhánh Hà Thành khai khi họp xét cấp tín dụng, bị cáo có ý kiến đồng ý và kèm theo 2 điều kiện về quản lý dòng tiền, bổ sung tài sản bảo đảm.
Sau đó, chi nhánh trình Hội sở và được chấp thuận đồng ý cấp hạn mức đề nghị chi nhánh làm việc với doanh nghiệp để bổ sung tài sản bảo đảm và quản lý dòng tiền tránh xảy ra rủi ro.
Công ty Trung Dũng có cam kết với chi nhánh sẽ bổ sung đủ tài sản bảo đảm vào 31/12/2011. Nếu đến thời hạn chưa bổ sung đủ tài sản bảo đảm thì sẽ yêu cầu rút dư nợ.
Vì còn trong hạn cam kết bổ sung tài sản bảo đảm nên chi nhánh vẫn giải ngân cho doanh nghiệp. Bị cáo đã phê duyệt 13 văn bản giải ngân, trong đó có 9 văn bản vi phạm tài sản bảo đảm, khoảng 235 tỷ đồng.
Bị cáo nhận thấy mình có sai phạm trong việc giải ngân nhưng “bị cáo bị tác động tâm lý, người tiền nhiệm của bị cáo có ý kiến đề nghị dừng giải ngân thì bị ông Trần Bắc Hà yêu cầu chi nhánh thay đổi ngay hôm sau. Do đó bị cáo chịu tác động tâm lý, áp lực rất nặng. Bị cáo cũng trình bày không có mục đích cá nhân.
Bị cáo Phạm Hồng Quang nguyên là Trưởng phòng Quan hệ khách hàng chi nhánh Hà Thành. Theo cáo buộc, bị cáo đã ký văn bản đề xuất giải ngân 23/26 khế ước trong đó có 16 khế ước vi phạm quy định về tài sản bảo đảm với số tiền 360 tỷ đồng.
Khi bị cáo Quang báo cáo lãnh đạo từ chối phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng, bị cáo đã nhận được công văn có bút phê của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà. Bị cáo khai lần đầu tiên nhận được bút phê của Chủ tịch. Bút phê này không qua văn thư nhưng bị cáo không nhớ nhận như thế nào.
Nhận xong bút phê thì bị cáo thay đổi, báo cáo lại lãnh đạo là bị cáo Giáp, bị cáo Chính, đề xuất cấp L/C. Bị cáo và các cán bộ có kiểm tra lô hàng về cảng, ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Bị cáo thừa nhận có thiếu sót trong việc giám sát, giao cho Công ty Trung Dũng quản lý hàng hóa. Sau đó, Công ty Trung Dũng bán hàng cho đơn vị khác.