Do đó, một nội dung trọng tâm của phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án gây thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội là xem xét các vấn đề về trách nhiệm bồi thường cũng như định giá các tài sản.
Agribank đã có đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại trách nhiệm bồi thường. Một số bị cáo đã có đơn đề nghị xem xét lại vấn đề định giá tài sản.
Agribank cho rằng, các bị cáo, nguyên là nhân viên ngân hàng có một phần trách nhiệm đối với thiệt hại đã xảy ra và cần áp dụng các nguyên tắc của pháp luật tín dụng để xác định. Các công ty gồm Liên doanh Lifepro Việt Nam, CTCP Enzo Việt, CTCP Lifepro Việt Nam, CTCP Vietmade có trách nhiệm trả nợ cả gốc và lãi cho Ngân hàng. Đây là các doanh nghiệp nhận và trực tiếp sử dụng tiền vay từ Ngân hàng và các doanh nghiệp này phải có nghĩa vụ khắc phục thiệt hại.
Về các bị cáo nguyên là nhân viên, quá trình thẩm vấn cho thấy, việc thẩm định giá chiếc xe Bentley được thực hiện đúng các bước trong quy định do Bộ Tài chính ban hành, theo phương pháp so sánh tài sản mua bán trên thị trường.
Đây là chiếc xe Bentley của bị cáo Phạm Thị Bích Lương. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định nguồn gốc chiếc xe là do Ahmed El Fehdi (một trong các lãnh đạo của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam) tặng cho Phạm THị Bích Lương. Chiếc xe này được cơ quan định giá cho biết giá trị khoảng 3 tỷ đồng.
Hiện siêu xe vẫn đang được giữ lại để đảm bảo công tác thi hành án đối với phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo Phạm Thị Bích Lương, cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.
Với các công ty có liên quan, theo hồ sơ ngày 8/4/2011 trong việc ký hợp đồng tín dụng số 01, trong đó có nội dung tài sản thế chấp, Công ty LD Lifepro Việt Nam thế chấp tài sản là nhà xưởng dệt may công nghiệp, sử dụng đất, máy móc… Cơ quan giám định thuộc Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng đã được mời đến để cho biết về quy trình giám định nhà xưởng liên quan đến công trình kiến trúc trên đất đối với Công ty LD Lifepro Việt Nam.
Trong vấn đề thẩm định giá nhà xưởng, máy móc là tài sản đảm bảo cho khoản vay, đại diện Agibank đặt vấn đề về thẩm định giá. Đại diện Ngân hàng cho rằng, việc thẩm định giá phải tính từ thời điểm tháng 9/2013 theo giá thị trường, việc tính khấu hao đối với máy móc, nhà xưởng chỉ bắt đầu khi nhà máy đi vào hoạt động. Theo đại diện Agribank, Enzo Việt mới chỉ chạy thử, chưa đi vào sản xuất.
Theo con số đưa ra của đại diện ngân hàng, tài sản đảm bảo nếu tính ở thời điểm trước tháng 9/2013 theo chứng thư thẩm định giá sẽ bị giảm giá trị xấp xỉ 70-80 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử cũng triệu tập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế với tư cách người làm chứng để làm rõ một số vấn đề. Trên giấy tờ, công ty này vẫn đang là một thành viên của Liên doanh Lifepro Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, vốn góp 2% tại CTCP Enzo Việt đã được phía công ty chuyển nhượng theo đúng quy định pháp luật. Bên mua cổ phần đã trả hết tiền vào tháng 10/2011. Hai bên đã ký kết biên bản thanh lý xác nhận kể từ thời điểm bên mua thanh toán hết số tiền mua cổ phần thì toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty đối với phần vốn góp tại CTCP Enzo Việt này đã chấm dứt.
Số tiền bán vốn đã được ghi nhận vào sổ sách, kê khai nộp thuế đầy đủ. Công ty không còn liên quan gì đến CTCP Enzo Việt.
Trên giấy tờ của Liên doanh vẫn ghi nhận Công ty là thành viên của Liên doanh Lifepro, đó là lỗi của phía bên mua cổ phần không thực hiện thủ tục thay đổi. Bởi sau khi chuyển nhượng, từ tháng 10/2011, Công ty không còn quyền lợi gì và không thể thực hiện thủ tục này.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế trình bày, có làm việc với Tổng cục Hải quan, do Tổng cục Hải quan yêu cầu phải có giấy ủy quyền cho phù hợp, nên đại diện Công ty ký vào giấy ủy quyền cho đảm bảo cơ sở pháp lý và sau đó ký vào báo cáo thanh tra hàng hóa của Tổng cục Hải quan.
Đại diện công ty này cho biết, sau khi mua cổ phần, Công ty không được tham gia điều hành hoạt động của CTCP Enzo Việt nên thấy không phù hợp và đã thoái vốn. Việc CTCP Enzo Việt đổi tên, phía Công ty cũng không biết, không tham gia ký giấy tờ gì. Nhưng không hiểu vì sao Công ty vẫn còn tên trên Giấy đăng ký kinh doanh, đây có lỗi của Ban quản lý khu công nghiệp vì hồ sơ chắc chắn không đúng, Công ty không ký tên.