Nguyên Thứ trưởng bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
HĐXX có 5 người bao gồm chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán, Đại tá Lê Thành Nam; Thẩm phán Thượng tá Nguyễn Xuân Minh và 3 hội thẩm nhân dân.
Có 3 kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát quân sự Quân chủng Hải quân thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Tòa án triệu tập Quân chủng Hải quân tới phiên tòa với tư cách bị hại.
Tòa án triệu tập 12 doanh nghiệp liên quan vụ án gồm Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, CTCP Đầu tư sản xuất thương mại Mai Anh, BIDV, Công ty TNHH Cảnh Hưng, CTCP Yên Khánh Hải Thành, CTCP Tập đoàn Yên Khánh, CTCP BOT Cầu Việt Trì, Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20...
Trong số đó, đại diện CTCP Cảnh Hưng, CTCP Tập đoàn Đức Bình không có mặt khi Chủ tọa kiểm tra căn cước những người tham gia phiên tòa.
Tòa cũng triệu tập 12 nhân chứng tới phiên tòa.
Có 25 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan tham gia phiên tòa.
Trong số các bị cáo, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có 4 bị cáo bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành).
Có 3 bị cáo bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh).
Đề nghị triệu tập thêm nhiều người liên quan
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, ý kiến của các luật sư đã đề nghị Tòa án triệu tập thêm nhân chứng và các đơn vị, tổ chức khác.
Đại diện cho BIDV đề nghị triệu tập thêm Văn phòng Công chứng trung tâm, Văn phòng đăng ký đất đai.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Duyệt đề nghị triệu tập thêm Sở Tài nguyên môi trường TP Hồ Chí Minh, Văn phòng đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Tuấn đề nghị triệu tập thêm một số nhân sự của Công ty Hải Thành.
Một số ý kiến luật sự cũng cho biết đã gửi hàng trăm tài liệu tới tòa án nhưng chưa có xác nhận của Tòa án.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đối với việc triệu tập thêm các cá nhân và tổ chức, hồ sơ vụ án đã có đủ lời khai và cơ bản phù hợp do đó việc triệu tập thêm là không cần thiết.
Nếu có thêm chứng cứ về tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, đề nghị luật sư cung cấp.
Sau khi xem xét các ý kiến, HĐXX bác các đề nghị triệu tập thêm các cá nhân, đơn vị tham gia tố tụng. Các thành phần tham gia tố tụng đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, không cần thiết triệu tập.
Về ý kiến của BIDV đề nghị triệu tập thêm Văn phòng Công chứng trung tâm, Văn phòng đăng ký đất đai với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị này.
Vấn đề này không thuộc nội dung giải quyết của vụ án. Sau khi HĐXX giải quyết vụ án, BIDV có thể thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật
Về các tài liệu đã nộp, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử.
Kết thúc phần thủ tục bắt đầu, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện Viện kIểm sát công bố cáo trạng.
Các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân. Khi thực hiện chủ trương hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất trên, các bị can đã không làm đúng quy định về quản lý đất đai. Quá trình thực hiện các bị cáo đã ký các văn bản hoặc tham mưu để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ký các văn bản, làm các thủ tục không đúng quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về quản lý đất đai trong triển khai thực hiện khai thác 3 khu đất làm kinh tế; xin ghi thu, ghi chi tiền chuyển mục đích sử dụng đất không đúng theo quy định. Hậu quả làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất nói trên trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỷ đồng. |