Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp về việc xem xét hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho tất cả các tổ chức liên chính phủ quốc tế mà Mỹ là thành viên và rút khỏi một số tổ chức của Liên hợp quốc.
"Mỹ là cổ đông chính trong một số MDB (ngân hàng phát triển đa phương) được xếp hạng, do đó xếp hạng tín nhiệm sẽ tiêu cực nếu Mỹ giảm đáng kể cam kết của mình đối với các tổ chức này", Moody's cho biết.
"Bất kỳ tín hiệu nào cho thấy việc rút khỏi một MDB đều có thể dẫn đến hành động xếp hạng tín nhiệm tiêu cực", Fitch Ratings cho biết.
Mỹ là cổ đông lớn nhất trong các tổ chức của Nhóm Ngân hàng Thế giới, với 16,4% cổ phần tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và 19% cổ phần tại Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) cung cấp các khoản vay ưu đãi và tài trợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Mỹ còn nắm giữ 30% cổ phần tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ ở Mỹ Latinh (IADB), 15,6% cổ phần tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 10% tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).
Việc xem xét lại sự hỗ trợ của Mỹ đối với các ngân hàng phát triển theo lệnh của Tổng thống Trump dự kiến sẽ mất khoảng 6 tháng.
Trong khi đó, Fitch Ratings vẫn cho rằng việc Mỹ cắt giảm hỗ trợ là "không có khả năng" nhưng tác động (nếu có) sẽ rất đáng kể, gây ra thiệt hại tài chính và cũng có thể "tạo ra tiền lệ và ảnh hưởng đến sự gắn kết của các cổ đông còn lại".
Ngoài ra, Moody's cho biết: "Không có khả năng Mỹ sẽ thực hiện các bước đi quyết liệt liên quan đến việc tham gia vào các MDB quan trọng" vì một số lý do, bao gồm cả việc mất ảnh hưởng đối với các chính sách cho vay của các tổ chức đó.
Việc rút lui tài trợ cũng sẽ mở ra cánh cửa cho các quốc gia khác lấp đầy khoảng trống, và điều này không phù hợp với chiến lược địa chính trị của Tổng thống Trump.
"Những cổ đông đó nói riêng bao gồm Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã muốn một cổ phần lớn hơn trong IBRD – đây là điều bị Mỹ phản đối mạnh mẽ", Moody's cho biết.