Quyết định này của Tesla xuất phát từ việc các cuộc thử nghiệm của Euro NCAP - tổ chức uy tín thế giới về đánh giá mức độ an toàn xe cho thấy cách thức marketing tính năng này có thể gây hiểm nhầm cho người dùng.
Cụ thể, Euro NCAP và Thatcham Research đã tiến hành các thử nghiệm đầu tiên về các tính năng hỗ trợ lái xe, bao gồm hỗ trợ xe chạy đúng làn đường và phanh tự động. Kết quả cho thấy tên gọi Autopilot trên mẫu Tesla Model S khiến người dùng hiểu nhầm rằng đây là một hệ thống lái hoàn toàn tự động, không cần tới người lái.
"Tuy nhiên, các tình huống thử nghiệm cho thấy không phải như vậy, và một hệ thống như vậy cũng chưa hề được pháp luật cho phép. Nhìn chung, hệ thống của Tesla ẩn chứa nhiều rủi ro nếu người lái phụ thuộc quá mức vào nó,” theo báo cáo nghiên cứu của Euro NCAP.
Một ngày sau khi kết quả trên được công bố, trang web của Tesla đã không còn hiện tính năng “Tự lái hoàn toàn” như một trang bị tùy chọn cho xe nữa, mà chỉ còn tính năng “Advanced Autopilot”. Hiện chưa rõ 2 động thái này có liên quan đến nhau không, hay chỉ là sự trùng hợp về mặt thời điểm.
Nhà sản xuất xe điện của Mỹ đã có ý định giới thiệu phần mềm lái xe tự động hoàn toàn như một trang bị tùy chọn ngay khi nó được cấp phép và chấp nhận về mặt pháp lý, nhưng điều đó đã không xảy ra kể từ khi tính năng này ra mắt vào năm 2016. Dù vậy, Tesla vẫn dự định tăng mức độ tự động hóa sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép.
Hiện tại, tính năng “Advanced Autopilot” được giới thiệu là có thể giữ xe đi đúng làn, tự động thay đổi làn đường mà không cần sự can thiệp của người lái, hay đi ra khỏi một làn xe, tự đỗ xe khi tới gần điểm đỗ và có thể ra/ vào gara ô tô một cách tự động.